10:18 10/10/2018

Dịch bệnh tay chân miệng, sởi bùng phát nhiều tại khu vực đông công nhân lao động

Điểm chung của các tỉnh miền Đông Nam Bộ là có lượng lớn dân nhập cư và công nhân lao động. Đây là những đối tượng nguy cơ khiến dịch bệnh có xu hướng tăng cao và phức tạp trong năm 2018.

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và sởi 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 10/10.

Chú thích ảnh
Trẻ bị tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Báo cáo tại hội nghị, bác sỹ Trần Minh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 8/10, địa phương này ghi nhận 2.880 ca tay chân miệng phải nhập viện, 5.480 ca ngoại trú. Đặc biệt trong tháng 9, số ca bệnh liên tục tăng cao, lên đến 200 ca nội trú và 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Cùng với bệnh tay chân miệng, bệnh sởi cũng có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8 đến nay. Tính đến nay, địa phương này ghi nhận 190 ca mắc sởi, trong đó xuất hiện các chùm ca bệnh với nhiều người cùng mắc. 

Còn theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh này có 112 ca mắc sởi và hơn 3.000 ca bệnh tay chân miệng. Đây cũng là 1 trong 5 tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ có số ca bệnh tay chân miệng và sởi tăng cao trong thời gian gần đây.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng năm 2018 ghi nhận 4.066 ca bệnh tay chân miệng nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, năm 2018, bệnh tay chân miệng và sởi các tỉnh phía Nam tăng cao chủ yếu ở khu vực miền Đông Nam Bộ, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có dấu hiệu gia tăng.

Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở những khu vực có các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế  thừa nhận, năm 2018, dịch bệnh tay chân miệng và sởi chủ yếu tăng ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh – các địa phương có sự giao lưu đi lại thường xuyên. Tuy nhiên, ông Phu cho rằng, khó nhất vẫn là việc không kiểm soát được lịch sử tiêm chủng của người dân. “Điều này đặt ra cho chúng ta phải giải quyết vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là vấn đề chuyên môn phòng chống dịch bệnh nữa. Vì vậy, ngành Y tế đừng làm một cách âm thầm mà phải kêu gọi sự tham gia của chính quyền địa phương, xã hội”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Đinh Hằng (TTXVN)