07:08 02/07/2017

Dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát, cảnh giác với những dấu hiệu ở trẻ

Bệnh sốt xuất huyết là một trong những bệnh mùa hè phổ biến và nguy hiểm đang bùng phát và có nguy cơ thành dịch. Bệnh do nhiễm virut cấp tính từ muỗi truyền và có những biểu hiện khác nhau tùy mức độ nhiễm bệnh của từng người.

Sau đây là những dấu hiệu nhận biết của bệnh sốt xuất huyết:

Sốt cao

Theo bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt (nóng) từ 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.

Trẻ bị bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh tại TP Hồ Chí Minh.

Xuất huyết (chảy máu)


Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.


Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng; ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).


Đau bụng


Bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…


Dấu hiệu sốc


Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm:


Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã. Chân tay lạnh. Tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.


Nếu thời gian diễn ra sốc ngắn, từ 12 đến 24 giờ thì nên đi viện để được điều trị kịp thời.


Tiến trình của bệnh:


Ngày thứ 1: Bệnh nhân sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau.


Ngày thứ 2: Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ.


Ngày thứ 3: Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói. Hãy làm xét nghiệm máu, kết quả máu nếu có Hct tăng 39-40%, tiểu cầu giảm dưới 150.000 tế bào/mm3 là chẩn đoán SXH chính xác đến trên 90%.


Sang ngày thứ 4, thứ 5: các triệu chứng rõ ràng nhất.


Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo, sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, phụ huynh lưu ý bổ sung đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch, hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol là an toàn nhất.


Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, khi trẻ chưa bị thất thoát huyết tương thì không nên tự ý truyền dịch cho trẻ, bởi việc tự ý truyền dịch có thể khiến trẻ phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm. Việc truyền dịch cần được thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.


Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, hiện nay trong tình hình thời tiết mưa nhiều sẽ nảy sinh nhiều muỗi truyền bệnh, cùng với diễn tiến sốt xuất huyết người lớn ngày càng nhiều hơn và diễn tiến không theo một quy luật nào. Chính vì vậy, bệnh nhân chỉ cần có 2 dấu hiệu đau nhức mỏi cơ và đau đầu là những gợi ý của bệnh sốt xuất huyết thì nên đến 1 cơ sở y tế khám bệnh.


Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và các bệnh liên quan đến muỗi cắn người dân cần phải phối hợp với Y tế và chính quyền, ban ngành địa phương trong các hoạt động phun hóa chất xử lý dịch, kiểm soát, xử lý điểm nguy cơ, vùng nguy cơ cao.


Hơn nữa, để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cộng đồng phải tích cực thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt.

Đan Phương/Báo Tin Tức