03:15 11/03/2020

Dịch bệnh COVID-19: Trung Quốc hạ nhiệt, châu Âu-Mỹ 'nóng' từng ngày

Trong khi mối lo dịch bệnh COVID-19 giảm mạnh ở Trung Quốc và Hàn Quốc thì các nước châu Âu và Mỹ lại như đang ngồi trên đống lửa khi ngày càng có nhiều ca nhiễm bệnh và tử vong.

Italy thành mối lo ngại lớn nhất

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 10/3. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Washington Post, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra (COVID-19) nghiêm trọng nhất ở Italy – quốc gia ghi nhận 10.149 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 631 người tử vong tính tới trưa 11/3. Con số này cao hơn hai ổ dịch lớn khác là Iran và Hàn Quốc, cao hơn mọi quốc gia châu Âu khác.

Ngày 9/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thông báo chính phủ nước này sẽ hạn chế đi lại trên toàn quốc, chứ không chỉ ở những khu vực miền Bắc. Điều này có nghĩa là toàn bộ quốc gia trên 60 triệu dân bị phong tỏa để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Phần lớn người Italy giờ bị cấm tới các nước khác và các khu vực khác trong nước. Chính phủ Italy cũng hủy các cuộc tập trung đông người nơi công cộng và các sự kiện thể thao trong nước. Biện pháp phong tỏa có hiệu lực ít nhất tới ngày 3/4. 

Italy buộc phải hành động khi số ca tử vong và ca nhiễm cao gấp nhiều lần so với số ca ở Trung Quốc tính trên tỷ lệ dân số. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Italy là 5%, cao hơn mức trung bình 3-4% ở những nơi khác. Một phần nguyên nhân của số ca nhiễm và tử vong cao là do Italy có dân số già thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Một nguyên nhân khác là người Italy có lối sống thích hoạt động ngoài trời và tiếp xúc cơ thể như ôm hôn khi chào nhau.

Theo kênh ITV (Anh), khi ở giai đoạn đầu, Chính phủ Italy đã không can thiệp sớm. Giáo sư Della Giusta thuộc khoa kinh tế Đại học Reading cho biết nhiều người Italy không coi biện pháp tự cách ly là việc nghiêm túc khi các trường học bị đóng cửa tại miền Bắc vài tuần trước. Bà nói: “Khi trường học đóng cửa ở Lombardy, nhiều người đã dẫn con đi nghỉ trên núi hoặc ra biển ở những khu vực khác. Họ nghĩ mang con đi nơi khác sẽ an toàn nhưng điều đó thực ra rất nguy hiểm”.

Ngày 9/3, CH Cyprus đã công bố 2 trường hợp đầu tiên ở nước này dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19. Với thông báo mới của Cyprus, hiện toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có bệnh nhân COVID-19. Theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 9/3, số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu là trên 700 người, trong đó Italy nhiều nhất với 631 ca, Pháp 33 ca, Tây Ban Nha 36 ca, Anh 6 ca, Hà Lan 4 ca,  Thụy Sĩ 3 ca và Đức 2 ca.

Kênh truyền hình BFFM của Pháp ngày 10/3 đưa tin Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết ông Riester đã nghỉ ngơi và cách ly tại nhà sau khi xuất hiện những triệu chứng nhiễm. Hiện cũng có 5 nghị sĩ Pháp được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo nguồn tin này, ông Riester đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cách đây vài ngày.

Để đối phó với tình hình, nhiều nước châu Âu đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 10/3, Áo thông báo sẽ không cho phép những người đến từ Italy nhập cảnh vào nước này. Chính phủ Anh khuyến cáo những người Italy đến Anh phải tự cách ly trong nỗ lực nhằm xoa dịu sự lo ngại của người dân trước diễn tiến dịch bệnh lây lan nhanh. Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo mọi chuyến bay từ các vùng dịch đến nước này đều bị đình chỉ từ chiều 10/3.

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thiết lập khoản quỹ chung của EU với nguồn tiền 25 tỷ euro để xử lý khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Việc giải ngân bắt đầu diễn ra trong những tuần tới và sẽ được phân phối cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, các công ty nhỏ và thị trường lao động.

Chính phủ các nước châu Âu đã khẩn trương thực hiện các biện pháp như hạn chế đi lại, cung cấp thông tin chính xác để tránh hoảng loạn trong dân chúng. Tại Geneva, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngừng mọi cuộc họp tới 20/3 sau khi một nhân viên nhiễm SARS-CoV-2. Các hoạt động thể thao khắp châu Âu đều bị ngừng hoặc thi đấu không khán giả.

Mỹ có thể trải qua khủng hoảng tương tự

Chú thích ảnh
Xe cứu thương chuẩn bị chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ một trung tâm chăm sóc người già tới bệnh viện ở Kirkland, bang Washington ngày 5/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang tin Vox (Mỹ), các chuyên gia khẳng định nếu không có biện pháp giảm mạnh số ca lây nhiễm, hệ thống y tế sẽ quá tải. Tình hình ở Italy hôm nay có thể là tình hình tại bất kỳ quốc gia nào ngày mai, trong đó có Mỹ.

Các dự báo về COVID-19 cho thấy dịch bệnh này đang trên đà gia tăng ở Mỹ. Ở nhiều quốc gia, khi bắt đầu xét nghiệm nhiều hơn thì người ta thấy ngày càng nhiều ca mắc bệnh. Tuy nhiên, vấn đề xét nghiệm tại Mỹ hiện nay rất chậm chạp. Do đó, một khi tăng cường xét nghiệm, số ca bệnh COVID-19 sẽ tăng vọt ở Mỹ. Theo kênh CNN (Mỹ), số ca nhiễm virus ở Mỹ đã là 1.010 và 31 người tử vong tính tới trưa 11/3. Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở hơn nửa số tiểu bang của Mỹ và ít nhất 17 bang đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Giới chức Mỹ đã yêu cầu không tiến hành các cuộc tập trung đông người và kêu gọi sinh viên học trực tuyến. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, cho rằng mọi người cần sẵn sàng chấp nhận những thay đổi lớn trong cuộc sống: “Chúng tôi muốn nước Mỹ nhận ra rằng là một quốc gia, chúng ta không thể làm những việc như chúng ta đã làm cách đây vài tháng. Việc bạn sống ở bang có hay chưa có ca nhiễm bệnh cũng không khác nhau”.

Tại New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo thậm chí còn tuyên bố “khu vực ngăn chặn” trong phạm vi 1,6km quanh nơi có nhiều ca bệnh tập trung tại New Rochelle. Chính quyền New York đã triển khai Vệ binh Quốc gia tới phân phát thực phẩm cho các gia đình và hỗ trợ làm sạch khu vực công cộng.

Hạt Santa Clara ở California cho biết sẽ tạm cấm tụ tập trên 1.000 người sau khi hạt này có hàng chục ca bệnh. Lệnh cấm có hiệu lực trong 3 tuần từ ngày 11/3. Tại Ohio, hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ là Joe Biden và Bernie Sanders đã hủy các cuộc vận động đêm 10/3 do giới chức bang Ohio lo ngại về việc lây lan virus SARS-CoV-2. 

Đầu tháng 3, khi mới 30 ca nhiễm virus được xác nhận, giới chức Mỹ vẫn tự tin có thể kiềm chế dịch bệnh. Tuy nhiên, tờ Los Angeles Times dẫn một phân tích cho rằng từ 1.000 đến 10.000 người Mỹ có thể đã nhiễm virus tính tới 1/3, song chưa được tính vào thống kê. Từ ngày 1/3 tới nay, số ca nhiễm virus có thể lên tới hàng chục nghìn người. Tính toán trên được nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles và Đại học Peking ở Bắc Kinh thực hiện dựa trên giả định có một nhóm từ 8-16 người bay từ Vũ Hán tới Mỹ sau khi virus SARS-CoV-2 bùng phát.

Hiện nay, nhiều quan chức tỏ ra bất bình với cách xử lý dịch bệnh của chính quyền liên bang. Thống đốc Cuomo đã chỉ trích Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh vì trì hoãn, chậm trễ xét nghiệm. Thống đốc bang Washington, ông Jay Inslee, cũng chỉ trích Chính quyền của Tổng thống Donald Trump chưa hành động đủ quyết đoán.

Các nhà dịch tễ học cho biết bộ xét nghiệm lỗi cùng với chiến lược chẩn đoán chỉ nhằm vào một số ít người đã khiến dịch bệnh lan nhanh hơn, vượt quá khả năng phát hiện ca bệnh mới của giới chức Mỹ. 

Theo bà Lawrence Gostin, chuyên gia toàn cầu thuộc Đại học Georgetown, nếu số ca nhiễm bệnh tăng gấp đôi hàng tuần như ở Italy hiện nay, thì Mỹ có thể sẽ sớm xảy ra khủng hoảng. Bà cho rằng tình hình ở Italy chính là lời cảnh tỉnh với toàn bộ châu Âu và Mỹ.

Thùy Dương/Báo Tin tức