07:21 18/07/2017

Địa chỉ đỏ của tình hữu nghị Việt - Lào

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ đóng tại huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) là một hậu cứ quan trọng. Đây là nơi tiếp nhận, hỗ trợ vũ khí, lương thực và huấn luyện đào tạo cho bộ đội Lào, quân tình nguyện Việt Nam trước khi sang chiến đấu tại mặt trận Hạ Lào.

Hiện nay, khu di tích này là địa chỉ đỏ, biểu tượng của tình hữu nghị thủy chung, trong sáng giữa hai nước Việt - Lào anh em.

Ông Lương Văn Nhơn, 86 tuổi, ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, cựu quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào từ năm 1949- 1954, được Chính phủ Lào tặng Huân chương Tự do.

Trải qua thời gian và chiến tranh, những dấu tích của Sở chỉ huy khu Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ ở thôn Thạnh Đức, xã Tam Dân (nay là khối phố Thạnh Đức, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) còn lại rất ít. Hiện chỉ còn một ngôi nhà xây theo kiến trúc Pháp từng là nơi ở, làm việc của cán bộ cao cấp Lào-Việt được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Ngoài ra, ở Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Tam Kỳ vẫn còn 2 ngôi mộ liệt sĩ của bộ đội Lào hy sinh trong thời gian tham gia huấn luyện tại Khu kháng chiến Hạ Lào.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Phú Ninh Nguyễn Huy Hoàng, đầu năm 1949, trước tình hình nhiều chuyển biến ở chiến trường Hạ Lào, Chính phủ kháng chiến Lào cử ông Khamtay Siphandon và ông Sithoncomadam sang Việt Nam mang theo công hàm của hoàng thân Souphanouvong đề nghị Chính phủ ta giúp bạn thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào. Mục đích là để làm hậu cứ vững chắc, tiếp nhận và hỗ trợ vũ khí, lương thực cũng như huấn luyện đào tạo cho bộ đội Lào, quân tình nguyện Việt Nam trước khi sang chiến đấu tại mặt trận Hạ Lào. Hai bên thống nhất đặt Sở chỉ huy Khu Hạ Lào tại Việt Nam và phía Việt Nam thành lập bên cạnh Sở chỉ huy Khu Hạ Lào phái đoàn Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ (gọi tắt là Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ) để giúp đỡ khu Hạ Lào.

Địa điểm xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào được chọn gồm các xã Tam Dân, Tam Vinh, Tam Thành, Tam Đại của huyện Phú Ninh ngày nay. Đây là vùng đất tự do của cách mạng, giáp với nhiều địa phương, gần trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam, có quốc lộ 1A, các tuyến đường ngang chiến lược qua vùng Hạ Lào, đi Tây Nguyên, qua vùng Đông Bắc Campuchia, thuận lợi cho việc chuyển quân và tiếp cận chiến trường nhanh chóng. Địa điểm đầu tiên của Sở chỉ huy Khu Hạ Lào đóng ở thôn Thạnh Đức, xã Tam Dân (nay là thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) tại nhà ông Nguyễn Soạn, một địa chủ có tinh thần yêu nước. Các chiến sĩ bộ đội Việt- Lào được bố trí ở xen kẽ với nhà dân trong vùng.

Phối cảnh tổng thể Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ giai đoạn 1949- 1951.

Tại Khu kháng chiến Hạ Lào, bộ đội 2 nước được học tập chính trị, công tác dân vận, phương pháp chiến tranh du kích, học tiếng Việt và tiếng Lào. Khu vực tập luyện quân sự diễn ra tại vùng núi liền kề và vùng lòng hồ Phú Ninh, mỗi đợt huấn luyện có khoảng hơn 600 chiến sĩ của 2 nước. Kết thúc một đợt huấn luyện, mỗi chiến sĩ ra chiến trường được phát 10 kg gạo, 3 kg thực phẩm và muối ăn. Cuối năm 1949, những cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện từ Khu kháng chiến Hạ Lào đã triển khai hoạt động chiến tranh du kích, dân vận, xây dựng vùng cách mạng sâu rộng tại vùng Hạ Lào, lập lên nhiều chiến công vang dội ở cánh đồng Chum, cao nguyên Bôlôven, Sê Kông, Chămpasắc...

Tuy nhiên, cuối năm 1950, để đảm bảo bí mật, Sở chỉ huy Khu Hạ Lào đã liên tục di chuyển đến nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam, sau đó đứng chân tại vùng Hạ Lào. Mặc dù chỉ hoạt động trên địa bàn huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) một thời gian ngắn nhưng Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần vào sự lớn mạnh của cách mạng Lào sau này. Với ý nghĩa đặc biệt, tháng 8/ 2011, di tích Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Tìm về địa chỉ đỏ Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ là về với một giai đoạn lịch sử cách mạng vô cùng khó khăn nhưng sâu nặng nghĩa tình, “hạt muối cắn đôi, cọng rau sẻ nửa” giữa hai nước Việt Nam- Lào. Trong chuyến thăm tỉnh Quảng Nam vào cuối tháng 6/2017, đồng chí Vilayvong Budakham, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch-Tài chính và Kiểm toán Quốc hội Lào, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào-Việt Nam đã nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò quan trọng của Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ đối với sự phát triển cách mạng Lào. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Nguyễn Phi Thạnh cho biết, huyện Phú Ninh vẫn còn lưu giữ được những bức ảnh quý về bộ đội Lào-Việt huấn luyện quân sự tại Khu kháng chiến Hạ Lào năm 1949. Hằng năm, di tích Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ đón rất nhiều đoàn công tác từ nước bạn Lào sang tham quan, tìm hiểu lịch sử nguồn gốc cách mạng Lào, tình hữu nghị thủy chung, trong sáng giữa hai nước.

Hiện nay, dự án tu bổ, tôn tạo di tích Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ rộng 5 ha đã được các cơ quan chức năng ở Trung ương phê duyệt và đang chờ bố trí kinh phí thực hiện. Trong tháng 8/2017, nhà đón tiếp khách được đầu tư xây dựng với kinh phí 1,2 tỷ đồng do huyện Thà Tèng, tỉnh Sê Kông (Lào) và huyện Phú Ninh đóng góp sẽ hoàn thành, phục vụ việc tiếp đón các đoàn khách tới tìm hiểu về khu di tích. Tiếp nối dòng chảy hữu nghị, hợp tác đặc biệt Việt Nam-Lào, những năm qua huyện Phú Ninh và huyện Thà Tèng (tỉnh Sê Kông) đã đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, huyện Phú Ninh hỗ trợ 4,8 tỷ đồng xây dựng Trường mẫu giáo Thà Tèng, tặng nhiều thiết bị y tế, máy tính và hỗ trợ huyện bạn cử cán bộ sang đào tạo tại Trường Đại học Quảng Nam.


Bài và ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)