08:07 15/08/2018

Đi tìm dấu tích Ba Đình

Chúng tôi về huyện Nga Sơn - Thanh Hoá tìm dấu tích của chiến khu Ba Đình xưa. Đây là vùng đất của những chiếc chiếu cói Nga Sơn bao đời thân thiết với người dân nước Việt, của các địa chỉ văn hoá - lịch sử như đền thờ Mai An Tiêm, động Từ Thức, cửa Thần Phù...Tên gọi Ba Đình là một dấu son trong lịch sử của vùng đất này.

Chú thích ảnh
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) là cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương, dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt... tập hợp những người nông dân yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp. Căn cứ Ba Đình được xây dựng trên địa bàn các làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Nghĩa Khê. Cả ba làng đều có mỗi làng một mái đình, từ đình nọ có thể nhìn thấy đình kia trong một thế trận liên hoàn. Tên gọi Ba Đình ra đời từ đấy. Nghĩa quân đã xây thành, đào hào sâu, trồng tre bao bọc, biến căn cứ thành hệ thống phòng thủ vững chắc. Mỗi đình được xây dựng thành các đồn phòng thủ độc lập, và có thể hỗ trợ cho nhau trong tác chiến.

Có thể nói Ba Đình là hình mẫu của một chiến luỹ phòng thủ quy mô của phong trào Cần Vương thời kỳ ấy.

Từ Ba Đình, dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng và các tướng lĩnh, nghĩa quân đã tiến hành các trận đánh trong vùng, kiểm soát các tuyến giao thông, phục kích các đoàn xe vận tải ... Tháng 3 năm 1886, nghĩa quân tấn công toà công sứ Thanh Hoá và một số nơi khác, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Cuối năm 1886, Pháp đưa hàng ngàn quân với hoả lực mạnh tấn công căn cứ Ba Đình. Mặc dù lực lượng chênh lệch, nghĩa quân đã kiên cường chống trả suốt 32 ngày đêm trong một trận đánh rất dũng cảm.

Cuộc khởi nghĩa Ba đình đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục quân xâm lược của các tướng lĩnh, nghĩa quân trên đất Nga Sơn ngày ấy. Người Pháp sau này cũng đã phải thừa nhận "1886-1887, cuộc công hãm Ba Đình là quan trọng nhất, cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân lực nhất và làm cho các cấp chỉ huy lo ngại nhiều nhất"...

Chú thích ảnh
Các nghĩa quân Ba Đình vẫn hiên ngang khi bị bắt. Ảnh: Tư liệu

Như có sự sắp đặt của lịch sử, theo một số tư liệu, khoảng giữa năm 1945, bác sĩ Trần Văn Lai, thị trưởng Hà Nội khi ấy, trong một cố gắng đặt tên Việt Nam cho các con đường và địa chỉ ở thủ đô, đã khởi xướng việc đặt tên quảng trường Ba Đình cho khoảng đất rộng cuối đường Điện Biên Phủ ngày nay. Chỉ vài tháng sau đó, sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, quảng trường Ba Đình đã đi vào lịch sử, là nơi Chủ tịch Hồ Chi Minh đọc Tuyên ngộc độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trên quảng trường Ba Đình lịch sử, sau này Hà Nội có hội trường Ba Đình, rồi quận Ba Đình, một quận trung tâm chính trị của thủ đô Hà Nội cho đến ngày nay.

Trên đất Nga Sơn (Thanh Hoá) ngày nay, cuộc sống đã thay đổi nhiều. Đồng ruộng xóm làng trù phú, ấm áp. Câu ca dao xưa gắn với vùng đất này như vẫn ngân nga:

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông

Chú thích ảnh
Dấu tích khởi nghĩa Ba Đình tại Nga Sơn - Thanh Hoá. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Hơn 130 năm đã trôi qua từ ngày những người nông dân áo vải không sợ cái chết và tù ngục, đứng lên vì nền độc lập của quê hương đất nước. Xã Ba Đình ngày nay được mở rộng hơn xưa, nhiều nhà mới, đường ô tô rộng, hạ tầng cơ sở khá tốt. Chúng tôi tìm đến dấu tích của chiến khu Ba Đình xưa - một di tích lịch sử cấp quốc gia. Thật bất ngờ là dấu tích ấy chỉ còn một tấm bia nhỏ đặt trên một mô đá trong khuôn phiên trường THCS Ba Đình. Ngày hè, trường đóng cửa, chúng tôi phải trèo qua tường để vào để ghi lại hình ảnh. Trên sân trường còn có một nhà bia nhỏ nhưng đã xô xệch, chẳng có gì bên trong! Nghe người dân kể lại, địa phương đã có quy hoạch xây dựng khu di tích Ba Đình nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Ở trụ sở Uỷ ban nhân dân xã cũng chỉ còn ít hiện vật nhỏ và một tấm bia đá đã mờ!

Ba Đình xứng đáng có một khu di tích trang trọng, tuy không cần to tát, để ghi dấu một sự kiện có ý nghĩa lịch sử lớn. Chợt nghĩ tới chương trình kỷ niệm 990 năm ra đời tên gọi Thanh Hoá dự tính chi hết 104 tỷ đồng. Giá như có một khoản trong ấy dành cho Di tích Ba Đình! Bởi lẽ chính những sự kiện, di tích như thế mới làm nên tên tuổi, bản sắc lịch sử, văn hoá cho mỗi vùng và cho cả đất nước.

Trần Mai Hưởng