02:10 07/02/2019

Di tích văn hóa quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn - Bài 2: Phát huy tối đa giá trị di tích

Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn là một điểm đến không thể thiếu khi người dân và du khách đến với thành phố bên bờ sông Hàn. Vì vậy, Đà Nẵng đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để bảo tồn và đặc biệt là phát huy tối đa giá trị di tích quan trọng này.

Chú thích ảnh
Một góc ngọn núi Thủy Sơn tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Năm 1980, danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia, nhưng cũng vào thời điểm đó, Ngũ Hành Sơn đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ngoài những tác động của thiên nhiên xâm thực, di tích này đã phải đối mặt với sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là UBND thành phố Đà Nẵng) đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể là có chủ trương cấm khai thác đá núi Non Nước. Năm 1992, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng quyết định thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn, sau đó là Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn, lãnh đạo các cấp đã triển khai thực hiện việc kiểm kê các di vật, cổ vật tại di tích; sao chụp, dập và biên dịch các tư liệu Hán Nôm; thực hiện bảng vẽ kỹ thuật các công trình kiến trúc cổ; phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm khảo sát các hiện vật văn hóa Champa.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện hữu, các công trình văn hóa – du lịch, công trình phụ trợ; chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại di tích, không để xảy ra các trường hợp mất mát đồ thờ tự, cổ vật, hòm công đức; chú trọng giữ gìn trật tự văn minh, môi trường văn hóa, du lịch tại khu danh thắng, chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại môi trường văn hóa, du lịch, nhất là các hành vi đeo bám, chèo kéo khách; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tình hình an ninh trật tự, nhất là trên Thủy Sơn và khu vực phía Tây Ngũ Hành Sơn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho du khách.

Chú thích ảnh
Hang động tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Năm 2017, các đơn vị chức năng đã trao trả lại nhiều tài sản có giá trị cho 42 trường hợp du khách đánh rơi, để quên trong hành trình tham quan, qua đó tạo được nhiều thiện cảm tốt đẹp đối với du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến “An toàn – Văn minh – Thân thiện” với bạn bè trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: "Chúng tôi luôn tự hào về Non Nước – Ngũ Hành Sơn. Tôi cảm nhận là chúng ta chưa phát huy hết giá trị của di tích; mong muốn các ngành chức năng có những giải pháp toàn diện hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – tâm linh của danh thắng này".

Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là một sự kiện rất quan trọng, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi rất vinh dự khi danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Thành phố đang chỉ đạo các ngành chức năng triển khai lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ. Thành phố hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, xây dựng các quy định, quy chế, dự án, kế hoạch về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức kiểm tra, giám sát, giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ nghiêm ngặt các di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ, di vật, cổ vật và cảnh quan môi trường. Đồng thời, thành phố xây dựng phương án khai thác du lịch - văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, để di tích trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan. Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng địa phương cũng như du khách để cùng chung tay bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn".

Ngày nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn không chỉ đơn thuần tồn tại dưới góc độ di sản văn hóa, mà nó còn là động lực, nguồn lực rất lớn cho kinh tế địa phương. Theo thống kê của Ban quản lý di tích - danh thắng Ngũ Hành Sơn, năm 2018 Ngũ Hành Sơn đã đón khoảng 2 triệu lượt khách, thu ngân sách gần 84 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017). Ngoài ra, sự hấp dẫn của danh thắng Ngũ Hành Sơn đã giúp vực dậy làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Non Nước – một làng nghề tồn tại gần 400 năm ngay dưới chân núi Ngũ Hành Sơn có nguy cơ bị mai một, trở thành làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng bậc nhất miền Trung.

Đặc biệt, thời gian gần đây, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được các tổ chức, hiệp hội, các đoàn lữ hành đánh giá và tôn vinh là điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn. Năm 2011, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chọn Ngũ Hành Sơn là Top 10 điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhất. Gần đây, website về du lịch: TripAdvisor tại Mỹ đã bình chọn Đà Nẵng, Việt Nam đứng đầu danh sách những "điểm du lịch đáng đến nhất thế giới", trong đó có lời khen ngợi danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Hy vọng, với lợi thế không nơi nào có của di tích, cộng với những nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, cũng như sự đồng thuận của người dân sở tại, Di tích quốc gia đặc biệt – Danh thắng Ngũ Hành Sơn ngày càng được quản lý, bảo tồn tốt hơn và những giá trị tiềm tàng của di tích sẽ được phát huy tối đa ngay từ những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019.

Nguyễn Sơn (TTXVN)