04:09 16/04/2011

Di tích tổ nghề tôn vinh phố cổ(Bài cuối)

Việc khôi phục các di tích đình thờ tổ nghề cùng với các hoạt động tôn vinh ngành nghề truyền thống sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của khu phố cổ Hà Nội với du khách trong và ngoài nước.

Việc khôi phục các di tích đình thờ tổ nghề cùng với các hoạt động tôn vinh ngành nghề truyền thống sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của khu phố cổ Hà Nội với du khách trong và ngoài nước.

Sự cần thiết phải khôi phục các di tích

Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định: “Nếu không nhìn quá khứ, ta sẽ không bước vào tương lai một cách vững chắc. Chính vì vậy, việc khôi phục đình Kim Ngân cũng như các di tích tổ nghề là chúng ta khôi phục được truyền thống của người xưa. Có nghĩ đến người xưa, chúng ta mới khẳng định được chính mình là ai, và khẳng định được mình là ai mới biết được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, và những điều đó khiến chúng ta tiến lên một cách vững chắc…”.

Nghệ nhân Vũ Mạnh Hải cũng thừa nhận, nếu một đất nước mà văn hóa không được khẳng định, những di tích không được tôn tạo, trùng tu sẽ mất đi những giá trị to lớn. Giai đoạn này là giai đoạn phù hợp để trùng tu di tích lịch sử văn hóa của các làng nghề. “Tôi nhận thấy bà con các làng nghề từ người nghèo hay người có kinh tế khá đều đang hướng về tổ nghề. Mong rằng cơ quan, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, định hướng và có kế hoạch cụ thể để tập hợp, huy động sức dân, góp phần vào việc trùng tu, tôn tạo các di tích làng nghề. Nếu như có sự đồng lòng từ người dân, những chính sách hợp lý từ chính quyền địa phương để tiếp tục trùng tu những ngôi đình thờ tổ nghề trong thời gian tới, du khách khi đến tham quan phố cổ Hà Nội sẽ có thêm những điểm đến hấp dẫn, đồng thời để con cháu đời sau hiểu được về lịch sử cũng như ý nghĩa của phố nghề Hà Nội xưa và nay” – ông Hải khẳng định.

Thao diễn nghề ngay tại đình thờ tổ nghề, hướng mới để hút khách.


Ông Nguyễn Phương Hùng, đã có 4 đời làm nghề rèn trên phố Lò Rèn cũng cho rằng, việc trùng tu, tôn tạo các di tích đình thờ tổ nghề là cần thiết và nên làm. Dù sau này nghề đó có bị mai một, dù con cháu không còn ai theo nghề thì việc giáo dục cho con cháu chúng ta về ý nghĩa lịch sử, giá trị của những di sản do cha ông ta để lại là điều rất cần phải làm.

Thêm điểm đến cho du khách

Điểm đặc biệt của những ngôi đình thờ tổ nghề ở Hà Nội là nó đều nằm giữa thủ đô, giữa khu di tích phố cổ Hà Nội, nên vừa là nơi hoạt động văn hóa tâm linh, vừa có thể là một điểm du lịch hấp dẫn.

Bất kỳ du khách quốc tế đến Hà Nội đều muốn đi tham quan ba mươi sáu phố phường, nơi được coi là linh hồn của Hà Nội xưa. Chẳng thế mà ông Cesare Bieller, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội đã từng nói: “Nếu không có phố cổ thì khách không ở Hà Nội quá nửa ngày”. Bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc chi nhánh Công ty Phượng Hoàng cũng thừa nhận: “Nhiều du khách khi đi thăm phố cổ về đều rất thích và có nhiều cảm xúc với những ngôi nhà in dấu thời gian, những khu phố đông đúc và sầm uất. Họ cũng rất thích đi bộ ngắm phố phường Hà Nội…”.

Với du khách quốc tế, ngoài việc tham quan, ngắm nhìn thì họ còn muốn được giao tiếp, tìm hiểu về cuộc sống của người dân khu phố cổ. Chính vì vậy, nhiều công ty lữ hành thường tổ chức đưa khách đến những khu phố cổ vẫn còn giữ được nghề truyền thống, để du khách biết đến nghề, hiểu được ý nghĩa của phố nghề…

Người tâm huyết và đang đầu tư khai thác sản phẩm du lịch chuyên sâu về nghề truyền thống phố cổ là ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân. Ông Thủy cho biết, công ty đang nỗ lực khảo sát tour chuyên biệt về nghề truyền thống phố cổ, nếu được sẽ đưa vào hoạt động trong quý II/2011. Theo ông Thủy, cái khó của tour phố nghề là điểm trình diễn của nghệ nhân còn chật hẹp, khó có thể tiếp đón những đoàn đông, thêm vào đó, cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và nghệ nhân để giới thiệu sản phẩm nghề đặc sắc vẫn chưa có. Hiện chỉ có đình Kim Ngân vừa khánh thành có thể là điểm đến khá hấp dẫn, nhất là trên phố Hàng Bạc thường rất đông khách lui tới.

Còn ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng: Hầu hết các đình thờ tổ nghề khu phố cổ Hà Nội là nơi bái vọng của những người làm nghề trên phố. Do đó, để giúp du khách hiểu sâu hơn về nghề, các doanh nghiệp có thể kết nối tour từ phố cổ tới làng nghề, để sau khi thăm phố cổ với các làng nghề, du khách có thể về làng nghề để chứng kiến người dân làm nghề, môi trường cảnh quan nông thôn Việt Nam, thăm các đình thờ tổ nghề để cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết cần đầu tư về hạ tầng, dịch vụ kèm theo và hướng dẫn người dân làm du lịch. Hiện ý tưởng này mới đang được triển khai, trong đó, ngành du lịch chọn vài làng nghề hội đủ các điều kiện cần thiết để đầu tư, thành điểm du lịch làng nghề nổi bật. 

Phương Lan - Xuân Cường