08:06 06/08/2012

Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Bản Phủ bị ngập lụt kéo dài

Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) bao đời nay đã trở thành niềm tự hào của người dân tỉnh Điện Biên.

Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) bao đời nay đã trở thành niềm tự hào của người dân tỉnh Điện Biên. Vào các dịp lễ, Tết, du khách thập phương lại về đây thắp nén hương để tỏ lòng tri ân, thành kính tưởng nhớ đến vị Anh hùng áo vải Hoàng Công Chất - người đã xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc trên dưới một lòng, đánh đuổi giặc Phẻ, giữ yên một vùng trời biên cương của Tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều năm qua, con đường vào di tích Thành Bản Phủ, đền Hoàng Công Chất, đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mỹ quan, tính tôn nghiêm của khu di tích.


 

Hàng trăm mét đường hóa sông sau những cơn mưa trước mặt cổng di tích Thành Bản Phủ.

 

Đã nhiều năm qua, con đường dẫn vào khu di tích (cách cổng thành 50 m) tồn tại một đoạn đường dễ dàng hóa “sông” chỉ sau những cơn mưa lớn. Thực tế này đã tạo nên một bức tranh phản cảm ngay trước khuôn viên vào khu di tích. Hàng ngày, hàng trăm lượt phương tiện tham gia giao thông qua đây đều phải thi nhau lội nước, mạnh ai nấy chạy. Cả “đoạn sông” dài khoảng trên, dưới 100 m là cảnh hỗn loạn ngược xuôi, huyên náo của các loại phương tiện tham gia giao thông; cảnh xe chết máy, người dân phải khó nhọc lội nước, dắt xe... Theo một số người dân phản ánh, vào những ngày rằm, hay đầu tháng, người dân đi lễ nhiều thì điểm ngập lụt này trở thành điểm ách tắc giao thông nghiêm trọng hàng giờ.


Việc tồn tại điểm ngập lụt này không chỉ ảnh hưởng đến giao thông của tuyến đường, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều hộ dân sống hai bên đường, thuộc các đội 19, 20 của xã Noong Hẹt. Nhiều người dân ở đây phản ánh: Do đã quen với hiện tượng mưa là lụt, ngập đường, nên cứ hễ có mưa là nhà nhà thi nhau kè ván, xếp bao tải đựng đất, cát ngay trước cổng để ngăn nước tràn vào trong nhà, đồng thời phải kê cao các vật dụng sinh hoạt thiết yếu để tránh hỏng hóc. Còn nền nhà thì mỗi khi có xe ô tô tải đi qua, sóng nước tràn vào lênh láng, mang theo nhiều thứ rác bẩn, nên không khi nào khô ráo được.


Chị Nguyễn Thị Lan ở đội 22, xã Noong Hẹt cho biết: “Tình trạng ngập lụt như thế này xảy ra từ mấy năm nay rồi. Người dân càng đắp cao để ngăn không cho nước vào nhà thì tình trạng ngập lụt này càng nghiêm trọng hơn. Năm nay, nước ngập lụt nhiều và cao hơn các năm trước. Tôi mở cửa hàng may quần áo ở đây, nhưng bị nước ngập thế này nên chẳng khách nào muốn vào nữa”.


Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Công Kha - Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Nguyên nhân khiến đoạn đường này xảy ra tình trạng ngập lụt là do đoạn đường này thấp, trũng; hệ thống thoát nước hai bên đường chưa làm được vì liên quan đến diện tích đất của dân. Do đó, xã không thể can thiệp được vì không có đủ kinh phí để nâng cấp, tu sửa tuyến đường này.


Nhiều ý kiến cho rằng vì vẻ đẹp, tính tôn nghiêm của một địa danh lịch sử cấp quốc gia, sự an toàn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến đường này và môi trường trong lành của hàng chục hộ dân sống hai bên tuyến đường; cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp tu sửa con đường, xóa bỏ điểm ngập lụt không đáng có nơi đây.


Bài và ảnh: Xuân Tiến