09:00 11/09/2012

Di tích chùa Trăm Gian: Có thể dùng lại 30% phần tháo dỡ

Khoảng 30% cấu kiện kiến trúc đã bị hạ giải của 2 hạng mục gác Khánh và nhà Tổ, thuộc di tích chùa Trăm Gian có thể tái sử dụng để phục dựng lại các công trình trên. Số cấu kiện bị hư hỏng còn lại sẽ là những "dấu vết gốc", làm cơ sở cho việc phục chế các cấu kiện thay thế.

Qua cuộc kiểm kê sơ bộ cấu kiện kiến trúc bị hạ giải diễn ra tại chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cuối tuần qua, với sự tham gia của đại diện Viện Bảo tồn Di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, huyện Chương Mỹ, xã Tiên Phương và đại diện di tích chùa Trăm Gian, cho thấy: Khoảng 30% cấu kiện kiến trúc đã bị hạ giải của 2 hạng mục gác Khánh và nhà Tổ, thuộc di tích chùa Trăm Gian có thể tái sử dụng để phục dựng lại các công trình trên. Số cấu kiện bị hư hỏng còn lại sẽ là những "dấu vết gốc", làm cơ sở cho việc phục chế các cấu kiện thay thế.


Cụ thể, còn 519 cấu kiện gỗ (không kể rui), 25 cấu kiện đá, khoảng 21.000 viên ngói lợp. Cấu kiện gỗ bao gồm cộ, xà, hoành, đấu, nóc, câu đầu, kẻ, bẩy... Phần lớn đã bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau: mục gãy, vỡ mộng, sứt mẻ ở nhiều điểm; tuy nhiên vẫn có những cấu kiện tương đối tốt có thể sử dụng để phục dựng. Các bên có liên quan cùng các chuyên gia, cán bộ chuyên môn của Viện Bảo tồn Di tích đã tiến hành thống kê, phân loại, chụp ảnh, đo đạc sơ bộ toàn bộ cấu kiện kiến trúc bị hạ giải thuộc hai hạng mục gác Khánh và nhà Tổ.


Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng các bên tham gia thống nhất tập kết toàn bộ các cấu kiện gỗ bị hạ giải chuyển vào lán có mái che để bảo quản, hạn chế ảnh hưởng của điều kiện thời tiết; phần ngói để nguyên tại vị trí hiện tại và che chắn để bảo vệ. Đồng thời, bàn giao toàn bộ cấu kiện kiến trúc đã được Viện Bảo tồn Di tích thống kê, phân loại cho UBND xã Tiên Phương và nhà chùa bảo vệ, giữ gìn không để xảy ra thất thoát hoặc xáo trộn. Viện Bảo tồn Di tích sẽ làm báo cáo kỹ thuật đợt kiểm kê sơ bộ này để làm cơ sở cho Hội đồng tư vấn họp, đưa ra phương án tu bổ, tôn tạo và phục hồi hai hạng mục gác Khánh và nhà Tổ trong thời gian sớm nhất.


Đinh Thị Thuận