01:08 25/01/2015

Di sản năng lượng của Quốc vương Abdullah

Với việc vị vua mới của Saudi Arabia tuyên bố tiếp tục chính sách dầu mỏ của cố Vương Abdullah, nước này đang dấn thân vào một cuộc chơi địa chính trị-năng lượng liều lĩnh nhất kể từ sau cái bắt tay “đổi dầu mỏ lấy an ninh” với Mỹ hồi năm 1945.

Quốc vương Saudi Arabia Abdullah bin Abdulaziz al Saud, nhân vật có tầm ảnh hưởng bậc nhất tại Trung Đông, ra đi đã để lại cho đất nước này nhiều di sản tốt đẹp, trong đó phải kể tới nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và phân biệt đối xử với nữ giới của ông.

Nhưng ở tầm thế giới, chính sách năng lượng mà nước này theo đuổi thời gian gần đây đang đặt ra nhiều vấn đề phải bàn.

Quốc vương Saudi Arabia Abdullah tại tư dinh ở Jeddah tháng 6/2014.


Ngày 5/14/2014, một tướng Saudi Arabia và hai lính biên phòng đã thiệt mạng trong một vụ nổ súng dọc biên giới Saudi Arabia – Iraq với các tay súng được cho là thành viên của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây là vụ tấn công đầu tiên nhắm vào Saudi Arabia kể từ khi nước này gia nhập liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những lo lắng về tình trạng sức khỏe của vị Quốc vương đã 90 tuổi phải nhập viện vì bệnh viêm phổi cũng như diễn biến đáng ngại của giá dầu thế giới.

Đầu tháng 1/2015, lần đầu tiên kể từ hồi tháng 5/2009, giá dầu đã giảm xuống dưới mức 50 USD/thùng. Các nhà quan sát lý giải hiện tượng này là do cung tăng - hệ quả của cuộc cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ, trong khi cầu lại giảm do tăng trưởng chậm chạp của kinh tế toàn cầu.

Mọi con mắt đổ dồn về Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất trong OPEC, vốn chiếm tới 73% trữ lượng dầu mỏ đã được phát hiện của thế giới, với hy vọng Riyadh sẽ cắt giảm sản lượng để giúp bình ổn giá dầu. Nhưng không, Saudi Arabia từ chối đề nghị này và chơi cuộc chơi của riêng mình.

Ý đồ của Riyadh

Dù một số nhà phân tích không thể lý giải về chiến lược này của Saudi Arabia, nhưng lôgic kinh tế có thể biện minh cho động thái này của vua Abdullah: trong khi các đối thủ cạnh tranh phải vật lộn để duy trì hoạt động sản xuất dầu, Riyadh có cơ hội để tăng thị phần trên toàn cầu và cố tránh lặp lại những sai lầm từng mắc phải trước đây khi giá dầu biến động.

Giữ giá dầu dao động ở mức 50-60 USD trong 1 hay 2 năm sẽ gây ra những tác động tai hại đối với nhiều đối thủ cạnh tranh của Saudi Arabia trên thị trường năng lượng. Đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của Mỹ đã giảm 37% trong năm 2014 và có thể còn xuống thấp hơn nữa.

Đó cũng là viễn cảnh chung với nhiều nhà sản xuất năng lượng trên thế giới. Giá xăng rẻ hơn có thể làm tăng mức tiêu thụ và khiến các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, cũng như nguồn năng lượng khai thác từ gió, mặt trời và năng lượng hạt nhân, trở nên kém cạnh tranh hơn.

Giảm mức cạnh tranh toàn cầu trong ngành năng lượng ngày hôm nay có thể dọn đường để tăng giá dầu trong tương lai. Đó là chiến lược của Riyadh.

Rất khó để tin rằng Saudi Arabia đã không cân nhắc tới những hệ lụy về địa chính trị của trò chơi này. Giá dầu thấp hơn sẽ đồng nghĩa với việc nguồn thu từ dầu mỏ của các quốc gia xuất khẩu dầu, trong đó có hai đối thủ Iran và Nga, không còn dồi dào.

Nếu giá dầu sẽ là nhân tố góp phần gây bất ổn chính trị cho chính quyền tại Tehran và Moskva, Riyadh chắc chắn không hề cảm thấy áy náy. Hơn nữa, áp lực về giá dầu thấp còn đè nặng lên Iran buộc nước này phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm các cường quốc.

Con dao hai lưỡi

Rốt cuộc, động cơ thúc đẩy sự hình thành chiến lược dầu mỏ của Saudi Arabia là vậy nhưng hệ lụy của nó còn nguy hiểm hơn và thậm chí vượt xa những gì giới chức Riyadh có thể tiên liệu.

Bất chấp cuộc chiến giá dầu do Saudi Arabia phát động, sản lượng dầu khí Mỹ có thể sẽ sụt giảm trong một thời gian nhất định nhưng rồi sẽ hồi phục trở lại. Với giá dao động từ 50-60 USD, chỉ một số ít mỏ dầu đá phiếu tại Mỹ có thể có lời.

Hiện nay, ngành dầu đá phiếu của Mỹ vẫn còn có lợi thế vì sản xuất ra dầu “ngọt” – loại dầu có quy trình lọc và lưu trữ đơn giản hơn so với dầu thô “chua” của Saudi Arabia. Như vậy, các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể sẽ thay thế vị trí “điều phối” sản lượng dầu xuất ra thị trường thế giới của Saudi Arabia, giải quyết bài toán cân đối cung cầu hiện nay.

Nguy cơ lớn nhất đối với chiến lược dầu mỏ hiện nay của Saudi Arabia đến từ trong nước. Ước tính năm 2015 ngân sách của vương quốc dầu mỏ này sẽ mất 89 tỷ USD doanh thu nếu giá dầu giao động quanh mức 55 USD/thùng.

Còn Chính phủ Saudi Arabia dự báo, thâm hụt ngân sách của nước này năm nay có thể tăng lên 145 tỷ Riyal, tương đương 39 tỷ USD, từ mức 54 tỷ Riyal trong năm ngoái.

Điều này sẽ không tạo nên một Mùa xuân Arập ở Saudi Arabia nhưng tiền trợ cấp xã hội và lương cho công nhân, vốn chiếm 50% chi ngân sách của nước này, sẽ bị cắt giảm và có thể gây ra những hậu quả không lường trước.

Thực vậy, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có thể làm xói mòn sự ổn định của xã hội Saudi Arabia sớm hơn giới lãnh đạo vương quốc này tiên liệu. Bị dẫn dắt bởi tâm lý muốn trả đũa kình địch khu vực là Iran, Saudi Arabia cũng đang tự làm tổn thương mình.

Tuy vậy, giới chức tại Riyadh vẫn tự tin tuyên bố rằng họ có đủ dự trữ ngoại tệ, khoảng 750 tỷ USD, để chống chọi với bất kỳ cơn bão tài chính nào trong ngắn hạn và ngăn ngừa những khoản thất thu ngân sách lớn.

Các chính phủ thường hay đặt những ván cược rất lớn khi họ quá tự tin vào tiềm lực quốc gia hoặc khi họ ngày càng lo lắng về một điều gì đó. Chiến lược dầu mỏ mạo hiểm của Saudi Arabia không nằm trong trường hợp đầu tiên.

Với tình trạng sức khỏe nguy kịch của Quốc vương Abdullah, khả năng cạnh tranh trong hàng ngũ những người kế vị sau khi ông băng hà, áp lực phải thay đổi từ dân chúng, cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng Yemen và mối đe dọa từ IS, Saudi Arabia thấy cần phải chơi một canh bạc lớn.

Chính sách dầu mỏ hiện nay của Saudi Arabia được đưa ra vào một thời điểm khó khăn khi mà căng thẳng, xung đột, sự hỗn loạn và bất ổn đang đe dọa vương quốc này.

Và với việc vị vua mới của Saudi Arabia - Hoàng thân Salman bin Abdulaziz al-Saud tuyên bố tiếp tục chính sách dầu mỏ của cố Vương Abdullah, nước này đang dấn thân vào một cuộc chơi địa chính trị-năng lượng liều lĩnh nhất kể từ sau cái bắt tay “đổi dầu mỏ lấy an ninh” với Mỹ hồi năm 1945.


Thái Nguyễn(Theo F.A)