11:17 18/11/2022

Di sản hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam - Campuchia tiếp tục được đề cao, phát huy

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 43 (AIPA-43) tại nước này từ ngày 19 - 22/11/2022.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Vương quốc Campuchia Cheam Yeap trả lời phỏng vấn TTXVN và các cơ quan báo chí Việt Nam, ngày 18/11/2022. 

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Phnom Penh đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Vương quốc Campuchia Cheam Yeap, về những thành quả trong quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước trong thời gian qua, triển vọng hợp tác giữa hai Quốc hội nói riêng, hai nước nói chung trong thời gian tới, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động của AIPA và tại Đại hội đồng AIPA-43. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Xin ông điểm lại những thành quả trong quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước trong thời gian qua, nhất là trong Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022 và kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước?

Vương quốc Campuchia và Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác toàn diện trong những năm gần đây, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước thông qua trao đổi các đoàn cấp cao dưới nhiều hình thức, đúng theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. 

Xuất phát từ mối quan hệ đó, trong khuôn khổ Quốc hội, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm củng cố, tăng cường và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết. Thỏa thuận này đã tạo điều kiện cho Quốc hội hai nước có cơ hội trao đổi đoàn cấp lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban chuyên môn, cũng như Ban Tổng Thư ký hay Văn phòng Quốc hội... Đơn cử, hồi tháng 9/2022, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Campuchia do Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Quốc hội hai nước đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chung và các cuộc họp diễn ra hằng năm hoặc hai năm một lần dưới hình thức luân phiên đăng cai, như 7 hội thảo chung giữa Ủy ban Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng và Kiểm toán; 5 cuộc họp giữa Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông; 3 hội nghị của Ủy ban Đối nội, Quốc phòng và Công ích… 

Tôi xin cảm ơn Nhân dân, Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí 25 triệu USD cho công trình xây dựng trụ sở mới của Quốc hội Campuchia, đóng góp quan trọng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của cơ quan lập pháp Campuchia, thông qua “Thỏa thuận cung cấp viện trợ tài chính không hoàn lại cho dự án xây dựng tòa nhà hành chính mới của Quốc hội Campuchia”, ký kết ngày 4/10/2019 tại Hà Nội. Công tác xây dựng đang được khẩn trương tiến hành theo kế hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Chúng tôi vui mừng khi trong 5 nhiệm kỳ qua, Quốc hội hai nước Campuchia - Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp trong các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về công tác Nghị viện, cả ở cấp lãnh đạo các Ủy ban chuyên môn, cũng như các quan chức thuộc Ban Tổng thư ký hay Văn phòng Quốc hội hai nước. Tôi phấn khởi và vui mừng khi di sản hợp tác giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được lãnh đạo Quốc hội các cấp đề cao, phát huy.

Ông kỳ vọng như thế nào về những bước phát triển tiếp theo trong quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam và Campuchia, nhất là trong vấn đề phân giới cắm mốc biên giới giữa hai nước và tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông?

Chúng tôi rất tự hào nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển. Vương quốc Campuchia ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ hai nước trong việc hoàn thành 84% công tác phân giới cắm mốc và quyết tâm thúc đẩy Chính phủ hai nước đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm việc phân giới cắm mốc 16% đường biên giới đất liền còn lại, đưa khu vực biên giới thành đường biên giới của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Ủy ban liên hợp biên giới Campuchia - Việt Nam và Việt Nam - Campuchia trong việc tháo gỡ, xử lý các nội dung công việc liên quan, phù hợp với tinh thần các hiệp định biên giới.

Liên quan vấn đề Biển Đông, Quốc hội Campuchia hoàn toàn ủng hộ các quyết định của ASEAN trước đây, cũng như tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 vừa kết thúc tại Phnom Penh, trong đó có việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 

Quốc hội Campuchia hoàn toàn ủng hộ quan điểm của ASEAN, khẳng định hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông phải gắn liền với môi trường hòa bình và phát triển của khu vực. Mọi vấn đề phát sinh ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS, cũng như các nguyên tắc của ASEAN. Campuchia luôn duy trì các nguyên tắc và quan điểm chung, giải quyết trên cơ sở xây dựng một lập trường chung, đảm bảo tin cậy lẫn nhau.

Ông kỳ vọng như thế nào về quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội nói riêng, hai nước nói chung trong thời gian tới, đặc biệt là sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ?

Lãnh đạo các cấp của Vương quốc Campuchia rất phấn khởi, hoan nghênh và nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. 

Chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam một lần nữa thể hiện phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài”. 

Hơn thế nữa, chuyến thăm Campuchia Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, của tình đoàn kết hữu nghị truyền thống ngày càng phát triển bền vững và đi vào chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực. Chuyến thăm này cũng góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, đặc biệt là thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an sinh, pháp luật, các vấn đề xã hội, khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển năng lượng và nguồn nhân lực…

Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam trong khuôn khổ AIPA, cũng như những sáng kiến của Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 43 sắp tới?

Chúng tôi xin cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Campuchia trong vai trò chủ nhà, đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN, cũng như hoạt động Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo AIPA và ASEAN, Đại hội đồng AIPA lần thứ 43.

Sự tham gia của Việt Nam sẽ ủng hộ việc thông qua các nghị quyết tại Đại hội đồng AIPA, đặc biệt là các nghị quyết liên quan việc thúc đẩy và đề cao vai trò của phụ nữ và thanh niên, thành lập Ủy ban Thường trực của AIPA chuyên trách công tác phụ nữ, chuyên trách công tác thanh niên. 

Trên tinh thần đó, tôi xin hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đã đề xuất sáng kiến thành lập nhóm nghị sĩ trẻ tại Đại hội đồng AIPA vừa qua. Phần việc này tiếp tục được triển khai và hy vọng sẽ định hình rõ ràng hơn tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 43 này.

Chúng tôi cũng biểu dương Ban Tổng Thư ký AIPA dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Tường Vân, đã luôn tạo mọi điều kiện, giúp đỡ Quốc hội Campuchia trong công tác tổ chức các hội nghị, nhất là trong công tác tổ chức Đại hội đồng AIPA-43 lần này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Huỳnh Thảo (TTXVN)