09:18 26/09/2021

Di sản đối ngoại đồ sộ của Thủ tướng Angela Merkel sau 16 năm lãnh đạo nước Đức

Sau hành trình 16 năm trên cương vị Thủ tướng, bà Angela Merkel sẽ rời nhiệm sở với di sản đối ngoại đồ sộ. Bà Merkel đã ghi đậm dấu ấn là một nữ chính trị gia quyền lực, có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ với riêng nước Đức mà còn với cả Liên minh châu Âu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: abc.net

Tờ Washington Post đưa tin ngày 26/9, trên 60 triệu cử tri Đức đã bắt đầu đi bầu quốc hội mới, quyết định ai sẽ là người đứng đầu chính phủ, kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Bà Merkel, người được coi như một “tượng đài” của châu Âu, sau khi đưa nước Đức vượt qua hàng loạt khủng hoảng, đã tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử vào ngày 26/9 và trở thành thủ tướng Đức đầu tiên quyết định không tái cử từ năm 1949.

Theo trang DW, hầu như không ai bên ngoài nước Đức biết Angela Merkel là ai khi bà lần đầu tiên trở thành Thủ tướng vào năm 2005. Và cũng không ai có thể tưởng tượng được bà sẽ định hình nền chính trị thế giới như thế nào. Song, bà Merkel đã nhanh chóng tìm được vị trí của mình cả ở trong và ngoài nước. Ngay từ những ngày đầu, dường như bà đã tự mình định hình cách tiếp cận của chính phủ đối với chính sách đối ngoại.

Từ đó đến nay, Thủ tướng Merkel trong 4 nhiệm kỳ chính đã “chèo lái” nước Đức và châu Âu vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng.

Chú thích ảnh
Bà Angela Merkel cùng Tổng thống Mỹ George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Heiligendamm vào năm 2007. Ảnh: Reuters

Khủng hoảng đồng Euro

Đứng trước những khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng đồng Euro vào cuối năm 2009, một trong những biểu tượng quyền lực nhất của sự thống nhất châu Âu, bà Merkel cảnh báo: “Nếu đồng Euro sụp đổ, thì châu Âu cũng sụp đổ theo”.

Dưới sự điều hành của bà Merkel, Đức, đầu tàu kinh tế EU, đã đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh Chính phủ Berlin vừa buộc phải áp đặt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, vừa phải thực hiện cải cách, đồng thời áp dụng chính sách cứng rắn đối với các quốc gia mắc nợ. Song song các biện pháp trên, Đức đã thông qua gói viện trợ mở rộng của châu Âu. Khi đó, trách nhiệm pháp lý của Đức đối với các khoản nợ của các quốc gia khác ngày càng lớn.

Thực tế cho thấy, nhìn chung các nước còn lại trong EU đều chấp nhận vai trò lãnh đạo mới của Đức, lý do là vì cách cư xử tế nhị và khéo léo của bà Merkel. Khi đó, bà kết hợp “văn hóa kiềm chế” với “văn hóa trách nhiệm”, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu chính trị Johannes Varwick thuộc Đại học Halle đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông DW.

Chú thích ảnh
Dư luận Hy Lạp lại cho rằng bà Angela Merkel quá cứng rắn trong cuộc khủng hoảng tài chính. Ảnh: DPA

Chính sách tị nạn hào phóng

Quyết định mở cửa biên giới nước Đức cho hàng trăm nghìn người tị nạn và người di cư hồi tháng 9/2015 là thời điểm mang tính quyết định nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel. Trước làn sóng người di cư đổ về châu Âu để thoát khỏi cuộc nội chiến ở Syria, bà Merkel quyết định mở cửa cho hơn 1 triệu người xin tị nạn, bất chấp sự phản ứng từ trong nước và các nước EU khác. Trong một bình luận được đưa ra sau chuyến thăm trung tâm tị nạn vào tháng 8 năm đó, Merkel trấn an dư luận Đức rằng “chúng ta có thể làm được”. Song quyết định này cũng khiến dư luận có những đánh giá nhiều chiều về bà.

Thời điểm đó, Tạp chí Time của Mỹ bình chọn bà Merkel là “nhân vật của năm”, với danh hiệu “Thủ tướng của thế giới tự do”. Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo khác, đặc biệt là ở các nước Đông Âu lại không đồng tình với việc bà Merkel cố gắng áp đặt chính sách tị nạn “hào phóng” của Đức cho toàn EU. Kể từ đó, chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu đã gia tăng đáng kể.

Năm 2017, một gia đình người Syria ở Đức đã đặt tên cho thành viên mới nhất trong gia đình là “Angela Merkel Mohammed” để vinh danh nữ Thủ tướng Đức và chính sách mở cửa của bà đối với người tị nạn đến từ quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó cũng nhận định “bà Merkel là người cứng rắn, can đảm và bền bỉ”.

Song, cựu Tổng thống Donald Trump lại cho rằng Thủ tướng Merkel đã phạm “sai lầm kinh khủng” với chính sách mở cửa. Nhưng bà Merkel dường như chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí năm 2017, bà khẳng định vệc mở cửa biên giới đối với người tị nạn là một quyết định quan trọng và chính xác trong “trong tình huống nhân đạo ngoại lệ”. Bà Merkel nhấn mạnh: “Các quốc gia châu Âu chỉ có thể sống trong thịnh vượng và an toàn nếu cùng nhau nhìn vào bức tranh tổng thể”.

Đại dịch COVID-19

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và tấn công châu Âu vào năm 2020, bà Merkel đã mạnh mẽ “chèo lái” con thuyền nước Đức và châu Âu cùng vượt qua khủng hoảng.

Trong suốt những tuần kể từ đại dịch bắt đầu càn quét nước Đức và châu Âu, nữ Thủ tướng Đức đã thể hiện những cá tính đặc trưng của mình để dẫn dắt đất nước và EU trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Sớm khoanh vùng và phong tỏa đúng khu vực có dịch, những tháng đầu năm 2020, Đức đã thành công trong việc duy trì tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 6%. Nước này cũng tích cực xét nghiệm và truy vết các trường hợp nhiễm virus.

Khi Đức trở thành chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) từ 1/7/2020, bà Merkel đã “kể câu chuyện thành công” của nước Đức và nỗ lực hết sức đưa EU thoát khỏi đại dịch. “Khẩu hiệu của Đức trong 6 tháng dẫn dắt EU là cùng đưa châu Âu mạnh mẽ trở lại”, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố.

Dịch COVID-19 có thể chưa bị đánh bại và không ai biết những thách thức nào đang chờ đợi nước Đức, EU cũng như phần còn lại của thế giới. Nhưng cuộc chiến chống COVID-19 của Đức vẫn được đánh giá là khá thành công dưới sự dẫn dắt của “nữ thuyền trưởng” với 30 năm kinh nghiệm làm chính trị, xuất thân từ giới khoa học.

Chính sách đối ngoại khéo léo

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có mối quan hệ thân thiết với bà Merkel. Ảnh: Getty

Không thể phủ nhận rằng vai trò ngày càng lớn của Đức đã tạo ra sự mất cân bằng trong cán cân quyền lực với Pháp. Dù vậy, bà Merkel đã có những cam kết rõ ràng với đối tác thân cận nhất của mình. Bà Merkel để các lãnh đạo Pháp quyết định một số vấn đề khác nhau trong EU, như việc tạo ra một bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã không thể thực hiện.

Thủ tướng Merkel cũng duy trì chính sách đối ngoại của các chính phủ tiền nhiệm: khách quan, tổ chức tốt, thỏa thuận tốt với tất cả các bên nếu có thể, trong đó luôn hướng tới lợi ích kinh tế toàn cầu của Đức. Chính sách này đã gặt hái được nhiều kết quả, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Bà Merkel thường xuyên công du Trung Quốc và trao đổi thương mại của Đức với Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, bà Merkel có khả năng “phi thường” trong việc gắn kết châu Âu và kết nối các bên xung đột đối thoại. Bà đã nhiều lần nỗ lực hòa giải cho cuộc xung đột Ukraine - Nga. Bà cũng đã xử lý nhanh chóng những mâu thuẫn liên quan dự án khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 của Đức và Nga, vốn bị Mỹ và các nước Đông EU phản đối.

Trong quan hệ với Mỹ, ban đầu, bà Merkel là một người ủng hộ nhiệt thành cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ. Nhưng các mối quan hệ Berlin-Washington đã “nguội lạnh” dưới thời cựu Tổng thống Bush và người kế nhiệm, Tổng thống Barack Obama. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối năm 2019. Ảnh: DPA

Đến thời cựu Tổng thống Donald Trump, Đức và Mỹ mâu thuẫn về vấn đề Iran, thương mại, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều vấn đề khác. Thế nhưng, trước khi rời nhiệm sở, bà Merkel đã có những bước chuẩn bị cho việc thúc đẩy quan hệ Mỹ - Đức dưới thời Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm Mỹ của bà hồi tháng 7 vừa qua đã gửi một tín hiệu rõ ràng về việc khởi động lại và nâng tầm quan hệ Mỹ - Đức theo mong muốn của cả hai nước, sau 4 năm “nguội lạnh” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Vấn đề khí hậu

Bà Merkel cũng được biết đến với danh hiệu “Thủ tướng khí hậu” vì luôn kiên trì đàm phán với lãnh đạo các quốc gia khác về vấn đề khí hậu. Bà từng khẳng định trong một hội nghị thượng đỉnh của G20 rằng việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu luôn là một ưu tiên của châu Âu. Theo bà, Hiệp định Paris là là “không thể đảo ngược và không thể đàm phán”.

Phát biểu nhân ngày Môi trường thế giới hôm 5/6, Thủ tướng Đức cho rằng năm 2021 có thể là “một năm quan trọng” đối với việc bảo vệ khí hậu. Bà tin tưởng Hội nghị khí hậu thế giới ở Glasgow (Scotland) vào cuối năm nay có thể đạt được những kết quả cụ thể.

Theo bà Merkel, điều quan trọng là phải hành động một cách quyết đoán ngay từ bây giờ cũng như trong những năm tới đây, vì bảo vệ khí hậu chính là bảo tồn môi trường sống và sinh kế của loài người, không chỉ thế hệ hiện tại mà còn các thế hệ tương lai trên toàn thế giới.

Theo cuộc khảo sát của YouGov hồi tháng 8 vừa qua, tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel đã ở mức cao hơn đáng kể so với những người đồng cấp Mỹ và châu Âu khác. Số đông những người tham gia trả lời khảo sát ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha khi được hỏi về chính trị gia Merkel đều có đánh giá tích cực, hơn cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Manuel Macron.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo DW, Washington Post)