02:15 15/02/2016

Đi đầu thu hút đầu tư nước ngoài

Năm 2015, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt 4,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI đã góp phần làm thay đổi hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nên diện mạo mới cho Thành phố. Điều quan trọng là nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao môi trường đầu tư và lựa chọn TP Hồ Chí Minh như một điểm đến tin cậy.

Bí quyết thành công trong thu hút đầu tư FDI của TP Hồ Chí Minh được cho là nhờ vào quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo nhiều cơ chế thông thoáng hấp dẫn nhà đầu tư. Để có cái nhìn tổng thể hơn về những bài học thành công cũng như định hướng của Thành phố trong thời gian tới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh:

Với những thành công của năm 2015, bà có thể cho biết những định hướng lớn của TP Hồ Chí Minh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2016?

Có thể nói, nguồn vốn FDI không chỉ dừng lại ở việc bổ sung nguồn vốn phát triển, tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần đem lại những công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, nguồn vốn FDI từ lâu đã được thừa nhận là một trong những nguồn vốn có đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh được biết đến là một trong những địa phương năng động, đổi mới, đóng góp 31% ngân sách quốc gia và là một trong những điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Với vai trò quan trọng của nguồn vốn FDI, năm 2016 TP Hồ Chí Minh tiếp tục định hướng thu hút nguồn vốn này một cách hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, TP Hồ Chí Minh định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, có hàm lượng tri thức cao, công nghiệp phụ trợ cùng với các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học theo đúng Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 là “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh”.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Thành phố cũng đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 của Khu công nghệ cao tại quận 9 với diện tích hơn 600 ha, gấp đôi diện tích đất của giai đoạn 1. Đây là một tiền đề quan trọng, là cơ sở để thu hút các dự án công nghệ cao trong những năm sắp tới. Song song đó, thực hiện theo đúng mục tiêu mà Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đề ra là “thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh kêu gọi và tập trung thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư”, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu lãnh đạo Thành phố xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Trong đó, chủ yếu là các dự án phát triển hạ tầng và các dự án môi trường, điển hình như là các dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị, các dự án nạo vét kênh rạch, xử lý nước thải, rác thải.

Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện các dự án này nhằm hoàn thiện hơn nữa kết cấu hạ tầng của Thành phố, trong năm 2016 Sở sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ trung tâm mới đô thị Thủ Thiêm theo đúng quy hoạch; khởi động xây dựng nhanh khu đô thị cảng Hiệp Phước gắn với tiếp tục nạo vét luồng sông Soài Rạp, di dời cảng Sài Gòn, phát triển mạnh cảng Hiệp Phước. Tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng mới các chung cư cũ, chỉnh trang các khu phố cũ, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, phát triển các dự án nhà ở xã hội.


Thưa bà, để tận dụng tối đa những thuận lợi từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đem lại, thì đâu là giải pháp mang tính đột phá của TP Hồ Chí Minh trong việc tăng cường nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ?

Công nghiệp hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được phát triển mạnh như mong đợi. Việc này gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp trong nước và cả các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh đang có những thuận lợi khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại với nhiều đối tác cả phương Tây và phương Đông, đặc biệt là Việt Nam chính thức trở thành thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), do đó Thành phố phải tận dụng những cơ hội này để tăng cường nguồn lực đầu tư nước ngoài hơn nữa, đặc biệt là tăng cường trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Để có thể giải quyết được vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển công nghiệp phụ trợ. Đây là văn bản hết sức quan trọng mở đường phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ, do quy định rất rõ ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ chi phí nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, đồng thời quy định việc hình thành các tổ chức, chương trình nhằm hỗ trợ công nghiệp phụ trợ như Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, trong thời gian tới Sở sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố xây dựng, sửa đổi các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định tại Nghị định nêu trên.

Thứ hai, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo hoàn thành Quy hoạch “Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025” để làm cơ sở cho việc định hướng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, trong năm 2016 Thành phố cần tập trung hoàn tất đề án này theo đúng tiến độ để làm định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.

Thứ ba, cần tăng cường hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều quốc gia khác nhau trên cơ sở thế mạnh và tiềm năng hợp tác trong từng ngành cụ thể. Trước đây, Nhật Bản được xem là nhà đầu tư chiến lược trong hợp tác, phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành, Hiệp định TPP cũng đã kết thúc đàm phán, thì việc chỉ hướng đến một nhà đầu tư chiến lược là không đủ. Chúng ta cần phải mở rộng thu hút các nước và vùng lãnh thổ khác như: Hoa Kỳ, Australia, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Thứ tư, cần tiếp tục quan tâm đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã triển khai hoạt động trên địa bàn, giúp họ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, có những chính sách phù hợp để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh và mở rộng sản xuất. Việc này nhằm tạo sự quan hệ gần gũi, tin cậy giữa các nhà đầu tư với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng của địa phương để từ đó giúp đỡ kịp thời, kêu gọi, khuyến khích, yêu cầu họ chuyển giao các công nghệ mới, hiện đại, kỹ năng quản trị tiên tiến... cho các doanh nghiệp Việt Nam, đội ngũ lao động Việt Nam.

Từ những kết quả đạt được về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm qua, bà có thể cho biết môi trường đầu tư ở TP Hồ Chí Minh còn những hạn chế nào và hướng khắc phục trong thời gian tới ra sao?

Trong những năm qua, lãnh đạo Thành phố đã có những chỉ đạo sát sao, liên tục trong việc cải thiện môi trường đầu tư của TP Hồ Chí Minh. Kết quả của những chỉ đạo đó là năm 2015, kinh tế Thành phố có những chuyển biến tích cực, với những tín hiệu rất khởi sắc. Nhờ vậy, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lựa chọn khi tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Điều này càng rõ nét hơn nữa khi trước thềm gia nhập TPP, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu tăng trưởng rất mạnh mẽ, đặc biệt trong năm 2015 giá trị vốn đầu tư nước ngoài, tính chung kể cả cấp mới và vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm đạt 4,5 tỷ USD, tăng 38,28% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, môi trường đầu tư của Thành phố vẫn có những vấn đề cần khắc phục như về hệ thống cơ sở hạ tầng, về trình độ lực lượng lao động, năng suất lao động, thủ tục hành chính tuy đã được cải cách mạnh mẽ kể từ 1/7/2015 chưa đáp ứng đầy đủ được các yêu cầu đang ngày càng cao của nhà đầu tư.

Ngoài ra hiện nay, sự quan tâm và hiểu biết của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam vừa ký kết hoặc mới có hiệu lực như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng ASEAN (AEC)... còn chưa đầy đủ dẫn tới chưa tận dụng được các thế mạnh mà các hiệp định này đem lại, chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp từ các quốc gia tham gia ký kết.

Do đó, Sở KHĐT đề xuất thực hiện một số giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố, như: Tập trung áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các quy trình xử lý thủ tục hành chính, từ công tác hướng dẫn đến công tác tiếp nhận, xử lý, thông tin tình trạng hồ sơ cho nhà đầu tư, nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án khả thi, có tiềm năng được sớm đi vào hoạt động; xây dựng nhiều quy trình liên thông để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và hạn chế việc doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần; triển khai áp dụng các dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Về giải pháp về công tác xúc tiến đầu tư, Sở KHĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư và trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nghiên cứu biện pháp để hỗ trợ, khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề xây dựng các trang thông tin điện tử hiện đại, đầy đủ thông tin, hấp dẫn nhà đầu tư. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục dự án đầu tư trọng điểm mà thành phố đang định hướng kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực như hạ tầng kỹ thuật; khu công nghiệp; 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao...

Xin cảm ơn bà!
Hữu Duyên - Hải Yên (thực hiện)