03:09 14/03/2021

Đi châu Âu thời đại dịch COVID-19

Hai năm trước đây thì việc di chuyển từ Việt Nam sang châu Âu rất đơn giản trên những chuyến bay trực tiếp hàng ngày của Vietnam Airlines tới London, Paris, hoặc đi bằng nhiều hãng hàng không khác như Qatar Airways, Emirates, Turkish Airlines, Aeroflot… với một điểm dừng.

Chú thích ảnh
Trong máy bay của Qatar Airways. Ảnh: Hương Giang/Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Bỉ

Thế nhưng hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thì chỉ còn vài hãng hàng không nước ngoài khai thác đường bay thương mại từ Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh đi châu Âu với số lượng hạn chế.

Tôi chọn Qatar Airways để bay từ Hà Nội đến thủ đô Brussels của Bỉ. Đã từng bay nhiều lần với hãng hàng không Trung Đông này từ năm 2009 nên tôi khá yên tâm. Chuyến bay khởi hành từ Nội Bài lúc 01h35’. Tôi đến sân bay trước 4 tiếng. Nhà ga T2 vắng vẻ chứ không đông đúc như trước đây. Nếu trước kia, việc làm thủ tục bay rất đơn giản, chỉ cần cân hành lý ký gửi và dù có cao hơn quy định khoảng 2-3 kg nhưng bạn vẫn được chấp nhận thì hiện nay phức tạp hơn nhiều. Tất cả các chuyến bay tới châu Âu đều nối chuyến tại Doha.

Khách đến nước nào nhân viên sẽ đưa mã QR để hành khách quét và khai trực tuyến trên điện thoại. Sau khi khai xong, cơ quan chủ quản nước nhập cảnh sẽ gửi xác nhận bằng mã QR và lúc đó bạn mới được làm thủ tục check-in. Cứ tưởng đơn giản nhưng không hề giản đơn chút nào bởi không thể làm trước ở nhà được khi chưa có số ghế chuyến bay nối tiếp từ Doha. Tôi cứ khai đi khai lại nhiều lần với sự hỗ trợ của 3 nhân viên nhưng vẫn không thành công vì không nhận được tin nhắn gửi về điện thoại di động hay email đã đăng ký.

Nhìn sang các quầy check-in khác cũng vậy, hành khách nào cũng điện thoại trên tay, lo lắng. Nửa tiếng trôi qua, tôi vẫn chưa thể check-in. Đại diện của Qatar Airways giúp tôi mà cũng không thể thực hiện được. Bỗng tôi nảy ra ý định thay vì đăng ký bằng số điện thoại Việt Nam, tôi ghi điện thoại của một người thân ở Bỉ. May quá, lần này đã thành công. Tôi và gia đình đều có mã QR để được làm thủ tục.

Tiếp đó, nhân viên đề nghị cân một lần tất cả hành lý ký gửi của cả gia đình thay vì cân từng cái riêng lẻ. Mỗi người được gửi 25 kg. Cả nhà tôi 3 người, vậy là 75 kg. Tôi nghĩ du di một chút chắc không sao vì mấy người bạn bay đi Mỹ qua các hãng châu Á đều mang hơn số kilo quy định những vẫn ok. Cân đi cân lại ở nhà bằng cân điện tử và đều tính dư ra để đề phòng thì tổng các kiện hàng là 76,5 kg nên tôi rất yên tâm. Thế nhưng, khi đặt lên cân của hãng thì con số vọt lên 82,5 kg. Vậy là dư những 7 kg.

Tiếp tục cân hành lý xách tay : 3 vali, 1 cặp máy tính, 1 balo máy ảnh, tổng cộng 31 kg. Lần này thì quá những 10 ký. Chỉ mỗi cái túi nhỏ đựng điện thoại di động và giấy tờ là không bị đưa lên bàn cân. Trình bày đủ mọi lý do nào là phương tiện tác nghiệp, nào là thuốc phòng bệnh cho trẻ nhỏ… đều không được chấp nhận. Giải pháp : nộp tiền quá cước (50 USD/kg) hoặc bỏ lại đồ. Thôi đành chấp nhận bớt lại đống đồ khô và một máy tính xách tay để được làm thủ tục lên máy bay. Có bao nhiêu áo khoác mang theo, hai vợ chồng phải mặc vào hết để nhét vào trong đó pin sạc dự phòng, ổ cứng di động, máy ảnh… Hầu như hành khách nào bay cùng chuyến của tôi cũng đều phải mở vali bỏ lại đồ.

Chú thích ảnh
Tác giả tại sân bay quốc tế Doha. Ảnh: Ảnh: Hương Giang/Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Bỉ

Câu chuyện hành lý đến đây vẫn chưa kết thúc. Tại cửa lên máy bay, gần chục nhân viên đứng đó tiếp tục cân lại hành lý xách tay đối với những khách hàng họ nghi ngờ bỏ thêm đồ sau khi được dán thẻ. Một cô gái phải gọi điện cho người nhà đến lấy và quay lại cửa an ninh để gửi đồ. Một bà mẹ dắt đứa con nhỏ đành luyến tiếc bỏ lại đôi xăng-đan cao gót…

Trên máy bay, hành khách được bố trí ngồi dãn cách. Mỗi người đều được phát một túi nhỏ gồm khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn. Bữa ăn nóng, hoa quả, sữa chua, trà, cà phê… đều được phục vụ chu đáo.

Đến sân bay Doha, hành khách Việt tiếp tục nối chuyến để di chuyển tới Paris, London, Franckfurt. Họ bay sang đó với nhiều lý do : có em gái sang Paris du học, một cô gái trẻ đến London để lấy chồng, một người đàn ông sang đoàn tụ với con tại Đức. Chúng tôi là những người Việt duy nhất bay đến Brussels. Cùng chuyến với tôi cũng chỉ có hơn chục khách. Cả khoang máy bay rộng thênh thang. Tất cả đều đến Bỉ vì lý do công việc bởi quốc gia châu Âu này vẫn đóng cửa đối với khách du lịch.

Sân bay Brussels ngày trước tấp nập là thế giờ thưa thớt người. Chẳng có âm nhạc hay bảng điện tử nhấp nháy quảng cáo du lịch. Thủ tục nhập cảnh diễn ra nhanh gọn. Chỉ cần hành khách xuất trình tờ khai dữ liệu y tế trong đó nêu rõ địa chỉ nơi sẽ cách ly là được nhập cảnh và cũng không cần phải test Covid ở sân bay.

Chú thích ảnh
Đường phố thủ đô Brussels thưa thớt người qua lại. Ảnh: Hương Giang/Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Bỉ

Chiều Brussels mưa bay lất phất. Xe cộ không đông đúc như xưa. Bến tàu điện ngầm Maelbeek, nơi cách đây 5 năm, hồi tháng 3 năm 2016, là một trong ba địa điểm bị đánh bom khủng bố khiến 32 người thiệt mạng và 340 người bị thương, giờ vắng bóng người. Bên ngoài trụ sở Liên minh châu Âu, nơi hàng ngày diễn ra các cuộc họp báo và luôn tập trung đông đảo phóng viên quốc tế giờ chỉ còn 27 lá cờ lật phật cô đơn trong gió vì các cuộc họp chỉ diễn ra trực tuyến. Đại lộ Louise, khu vực trung tâm thủ đô tập trung các cửa hàng nổi tiếng của Louis Vouiton, Dior, Chanel… đìu hiu trong tiết trời ảm đạm. Virus SARS-CoV-2 đã làm thay đổi tất cả. Khẩu trang y tế trở thành vật bất ly thân của mọi người. 

Tối mở email, tôi thấy thư của Cơ quan y tế Bỉ cảm ơn đã khai báo y tế và chứng nhận vẫn có khả năng làm việc nhưng phải cách ly tại nhà trong 10 ngày, không được ra ngoài. Tới ngày thứ bảy sẽ có thông báo mời đi test Covid và nếu âm tính, người nhập cảnh sẽ được thôi cách ly. 

Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 vẫn đang được tiến hành trên khắp châu Âu. Tại Bỉ, hiện mới có 4% người dân trên 18 tuổi được tiêm 2 liều vaccin và 7,8% dân số trên 18 tuổi được tiêm 1 liều. Hiện đang có một sự mất cân bằng lớn trong việc phân phối vaccine trong EU.

Hôm thứ sáu 12/3, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã quy kết một số quốc gia châu Âu đã có động thái “đi sân sau” với các hãng dược phẩm để có được các hợp đồng mua vaccine và điều này đang tạo ra khoảng cách giữa các quốc gia trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Đây cũng là lý do lãnh đạo các nước Áo, CH Séc, Slovenia, Bulgaria và Latvia hôm thứ bảy 13/3 gửi thư lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề nghị thảo luận về vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra ngày 25-26/3 tới.

Mùa xuân đang về trên khắp châu Âu. Những cành cây khẳng khiu, trụi lá sau một mùa đông khắc nghiệt đang đâm chồi, nảy lộc. Nếu như không có Coronavirus thì đây là thời gian hàng triệu du khách đổ dồn về Hà Lan để ngắm những cánh đồng hoa tulipe Keukenhof khoe sắc. 

Có lẽ bất cứ ai bây giờ cũng đều ước mong cuộc sống quay lại thời kỳ chưa có virus SARS-CoV-2.

Hương Giang (Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Bỉ)