05:23 07/05/2015

ĐH Quốc gia chuẩn bị kỳ thi đánh giá năng lực

Từ ngày 15/3 đến hết ngày 25/4 đã có 45.163 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, trong đó có 14.468 thí sinh đăng ký dự thi cả bài thi đánh giá năng lực và bài thi môn ngoại ngữ.

Ngày 7/5, tại Hà Nội, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh Đại học Chính quy năm 2015 của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Từ ngày 15/3 đến hết ngày 25/4 đã có 45.163 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, trong đó có 14.468 thí sinh đăng ký dự thi cả bài thi đánh giá năng lực và bài thi môn ngoại ngữ.

TS Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội hướng dẫn thí sinh trước khi làm thử bài thi đánh giá năng lực tại Thái Nguyên. Ảnh: VNE


Từ số lượng thí sinh đăng ký dự thi, ngày 4/5, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1632/QĐ-ĐHQGHN về việc thành lập các cụm thi của kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học chính quy đợt 1 năm 2015. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có tất cả 9 cụm thi. Ở Hà Nội có 3 cụm thi với 32.690 thí sinh tại 11 điểm thi; ở Thái Nguyên có 1.051 thí sinh tại 1 điểm thi; ở Nam Định có 4.172 thí sinh tại 2 điểm thi; ở Hải Phòng có 3.513 thí sinh tại 2 điểm thi; ở Thanh Hóa có 1.571 thí sinh tại 2 điểm thi; ở Nghệ An có 1.931 thí sinh tại 2 điểm thi và ở Đà Nẵng có 235 thí sinh tại 1 điểm thi.

Để giúp các thí sinh làm quen với dạng thức của bài thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel công bố “Bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung mẫu” dưới hình thức thi thử miễn phí trên trang thông tin điện tử của Đại học Quốc gia Hà Nội và trên chuyên trang giáo dục của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Thí sinh có thể truy cập một trong các địa chỉ sau để làm bài thi thử: http://www.vnu.edu.vn hoặc http://www.viettelstudy.vn.

Bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần với 2 phần thi bắt buộc và một phần thi tự chọn. Theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực, phần tư duy định lượng có 50 câu hỏi, làm bài trong 80 phút. Đề thi có dạng trắc nghiệm hoặc dạng trả lời ngắn (điền đáp án vào ô trống). Phần thứ 2 là tư duy định tính gồm 50 câu làm bài trong 60 phút. Đề thi phần này có dạng trắc nghiệm. Còn phần 3 là phần tự chọn, gồm 40 câu làm bài trong 55 phút. Phần này thí sinh sẽ được lựa chọn một trong hai phần: Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Khi kết thúc làm bài, thí sinh có thể biết kết quả dự thi của mình, máy tính sẽ in kết quả và thí sinh sẽ ký xác nhận vào đó trước khi rời phòng thi.

Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất dùng 1 bài thi đánh giá năng lực xét tuyển sinh đại học. Thí sinh dự tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và tháng 8/2015.

Trên cơ sở kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xét tuyển điểm từ cao xuống thấp. Kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia chỉ là điều kiện. Tất cả các thí sinh đã đạt ngưỡng chất lượng theo điểm của bài thi đánh giá năng lực sẽ được vào học tại các chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội sau khi đạt điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Riêng đối với Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh phải làm thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển. Môn thi do Trường Đại học Ngoại ngữ quy định trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật phù hợp với yêu cầu đầu vào cho từng chương trình đào tạo. Trường Đại học Ngoại ngữ xác định điểm sàn bài thi đánh giá năng lực theo từng ngành, sau đó lấy trúng truyển theo điểm bài thi ngoại ngữ từ trên xuống.

Việt Hà