08:07 21/08/2014

Dệt may gặp khó ngay trên sân nhà

Dù đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới nhưng các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam lại đang gặp khó khăn ngay trên sân nhà. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong ngành dệt may sẽ khó thành công nếu như người tiêu dùng trong nước chưa có ý thức dùng hàng may mặc nội.

Dù đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới nhưng các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam lại đang gặp khó khăn ngay trên sân nhà. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong ngành dệt may sẽ khó thành công nếu như người tiêu dùng trong nước chưa có ý thức dùng hàng may mặc nội.


Người dân vẫn thờ ơ


“Cùng là những chiếc áo do May 10, Việt Tiến, Nhà Bè sản xuất nhưng khi chúng được mang thương hiệu của Valentino, Giordano thì bán với giá cao gấp 5 - 6 lần những chiếc áo mang thương hiệu Việt tại thị trường nội địa. Về chất lượng không khác gì nhau, nhưng người dân vẫn ưa chuộng dùng hàng mang thương hiệu ngoại hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết tại cuộc họp của ngành dệt may nhằm đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra ngày 20/8 tại Hà Nội.

 

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong cuộc vận động này, theo bà Huyền, để người dân ưu tiên dùng hàng Việt thì chính những lãnh đạo cũng phải thay đổi nhận thức, thay vì dùng hàng hiệu nước ngoài thì hãy thử dùng hàng Việt Nam để cảm nhận về chất lượng.


Dẫn chứng cho việc này, bà Huyền kể câu chuyện Tổng Giám đốc nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới Louis Vuitton khi ông đến khách sạn Metropole của Việt Nam. Trong bữa tiệc, ông đã rất chú ý đến bộ vest của vị khách đi cùng do Tập đoàn Dệt may Việt Nam sản xuất và thể hiện sự ngạc nhiên trước kiểu dáng và chất lượng rất tốt của chiếc áo này. “Trong khi người nước ngoài rất hài lòng về sản phẩm dệt may Việt Nam thì người tiêu dùng trong nước lại khá e dè”, bà Huyền nói.


Với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 đạt 9,38 tỷ USD, hàng dệt may Việt Nam ngày càng được thế giới ưa chuộng. Chất lượng hàng Việt Nam đã được khẳng định là ngang tầm thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hiện nay Tập đoàn Dệt may có khoảng hơn 50 cửa hàng Vinatex Mart tại 34 tỉnh, thành khắp cả nước. Đây là chuỗi bán lẻ hỗ trợ rất hữu hiệu cho việc quảng bá hàng dệt may Việt đến với người dân. Tuy nhiên, việc vận hành hệ thống này vẫn còn một số vấn đề, do đó đang tiếp tục được cải tổ.


“Thông qua việc kết nối mạng lưới tiêu thụ nội bộ, Vinatex Mart đã tổ chức nhiều đợt bán hàng về nông thôn tại các tỉnh thành như Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp… và được nhiều người dân hưởng ứng. Doanh thu có ngày đạt 30 triệu đồng”, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết. Tuy vậy, thị trường khu vực nông thôn rất lớn (70% dân số là nông dân) với nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hết.


Bị hàng giả lấn át


Hiện nay, các sản phẩm dệt may Việt Nam bị làm giả rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ câu chuyện về chiếc áo xanh tình nguyện quen thuộc của Đoàn Thanh niên. Đây chính là sáng kiến của May 10 và Trung ương Đoàn, do May 10 thiết kế và sản xuất từ nhiều năm trước. “Ban đầu, chúng tôi được giao là đơn vị sản xuất độc quyền chiếc áo này. Rất nhiều đơn vị, tổ chức trong cả nước đã đặt hàng bởi chất lượng bảo đảm và giá thành phải chăng. Nhưng ngay sau đó, hàng giả tràn lan. Trong khi chúng tôi bán với giá 56.000 đồng/chiếc (sau khi đã tiết giảm mọi chi phí), thì hàng giả bán ngoài thị trường chỉ với giá 28.000 đồng/chiếc. Chất lượng của áo giả rất kém, mặc một lần có khi đã bạc phếch nhưng người tiêu dùng do ham rẻ nên vẫn mua”, bà Huyền nói.


“Nếu như DN dệt may có thể xuất khẩu một đơn hàng lớn ra nước ngoài thu về hàng chục triệu USD, thì với thị trường nội địa, DN lại phải đi thu bạc cắc rất khó khăn”, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Còn theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, DN dệt may bị làm giả nhiều nhất, cả về sản phẩm lẫn cửa hàng là Việt Tiến. “Trên cả nước có hàng ngàn cửa hàng Việt Tiến giả bán với giá “bèo”. Hàng Việt Tiến sản xuất để bán trong nước không thua gì về chất lượng so với hàng xuất khẩu do cùng công nghệ sản xuất, máy móc, do đó không thể hạ giá thêm”, ông Trường cho biết.


Cũng theo ông Trường, việc chống hàng giả, đại lý giả hiện nay chưa hiệu quả. “Để giải thích cho người dân hiểu cửa hàng đó là nhái, không phải đại lý chính thức của Việt Tiến còn vất vả hơn cả việc mở cửa hàng mới”, ông Trường nói.


Tập đoàn Dệt may hiện có khoảng hơn 70 công ty, song chỉ có khoảng chục đơn vị là phát triển được ở thị trường nội địa, có thương hiệu mạnh và có lãi. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nhà nước cần hỗ trợ cho DN quảng bá thương hiệu mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời, nên có cơ chế hỗ trợ cho các DN xuất khẩu mạnh. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, nếu DN xuất khẩu được 1 USD thì sẽ được hưởng 14 cent, trong khi hiện nay DN Việt Nam chưa có cơ chế này. Số tiền này có thể giúp DN đầu tư ngược trở lại cho thị trường nội địa.


Hoàng Dương