12:12 07/12/2021

Dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 cao nhất là 43,5 tỷ USD

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, ngành dệt may đặt kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2022 là 42,5 – 43,5 tỷ USD. 

Chú thích ảnh
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phát biểu tại họp báo.

Chia sẻ tại Họp báo Hội nghị tổng kết 2021 do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức sáng 7/12, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đặc biệt trong quý 3, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. 

“Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại”, ông Trương Văn Cẩm đánh giá.

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero COVID-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP. 

Đại diện VITAS cho biết, tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và sự triển khai thực hiện quyết liệt, thống nhất Nghị quyết 128/CP-NQ từ Trung ương đến địa phương, VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022. Kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm và kịch bản thấp nhất đạt 38 – 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.

Đại diện VITAS cho biết thêm, tại thời điểm này, có nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý II/2022.

Để thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới, VITAS tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF…

Ông Trương Văn Cẩm cho biết, điều kiện tiên quyết là tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động. Cùng với đó, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực của nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đã cạn kiệt.  Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về chính sách tài khóa, tiền tệ… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. 

“Đặc biệt, các doanh nghiệp rất cần địa phương chung tay, phối hợp. Khi có F0 trong doanh nghiệp thì phải cùng nhau tập trung để tháo gỡ.  Nếu không, doanh nghiệp rất lúng túng vì không có chuyên môn về y tế”, ông Trương Văn Cẩm cho hay.

Tại họp báo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về Hội nghị tổng kết 2021 được tổ chức ngày 17/12, dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của hiệp hội trong năm 2021, chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và hiệp hội cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030. Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết, cũng sẽ diễn ra hội thảo xoay quanh tác động của đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may; biến đổi khí hậu trong ngành thời trang; thương mại bền vững; chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm; thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch COVID-19…

Thu Trang/Báo Tin tức