Dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao) đường Hồ Chí Minh giai đoạn I đoạn La Sơn - Túy Loan đạt chuẩn cao tốc đang được Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) tập trung nghiệm thu, dự kiến đưa vào khai thác trong quý II/2021, rút ngắn quãng đường từ Thừa Thiên - Huế đi Đà Nẵng.
Giai đoạn I dự án có chiều dài khoảng 77,5 km, quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12m (dự kiến, trong quý II/2021 đưa vào khai thác 66 km đoạn La Sơn - Hòa Liên, còn lại 11,5km đoạn Hòa Liên - Túy Loan giữ nguyên đường hiện trạng đang khai thác, chưa đầu tư mở rộng).
Khởi công ngày 22/12/2013, dự án có tổng mức đầu tư 11.485 tỷ đồng, triển khai theo hình thức hợp đồng BT vốn vay Ngân hàng Nhật Bản có bảo lãnh Chính phủ (khoản vay 510 triệu USD tương đương phần vốn nhà đầu tư phải huy động để thực hiện dự án khoảng 10.500 tỷ đồng).
Dự án bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) và kết thúc tại nút giao Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nối với đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án hiện đã cơ bản hoàn thành đoạn La Sơn - Hòa Liên, đoạn Hòa Liên - Túy Loan sẽ tách ra đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.
Những ngày đầu tháng 5/2021, phóng viên báo Tin tức có mặt tại dự án, ghi lại những hình ảnh đẹp như bức tranh thủy mặc của đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan nằm trong lòng rừng quốc gia Bạch Mã. Khi đưa vào khai thác, có thể nói đây là tuyến đường bộ đạt tiêu chuẩn cao tốc đẹp nhất Việt Nam hiện nay.
Video về dự án:
"Dự án đang đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung nghiệm thu các hạng mục còn lại để cuối quý II/2021 đưa vào khai thác đoạn La Sơn - Hòa Liên dài 66km. Đoạn tuyến này đã cơ bản hoàn thiện, đang chờ Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra những điều kiện kỹ thuật cuối cùng”, ông Nguyễn Minh Khánh, Trưởng phòng Điều hành dự án 4 (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh) cho biết.
Trước đó, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan có kế hoạch thông xe vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, công trình chậm tiến độ do nhiều lần điều chỉnh phê duyệt, vướng mắc giải phóng mặt bằng và thiếu vốn. Vì vậy, Bộ GTVT quyết định chuyển phương án đầu tư đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan trùng với cao tốc Bắc Nam phía đông đang xây dựng hiện nay (trong đó quy hoạch cao tốc La Sơn - Túy Loan) vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kịp thời bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT cũng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép sử dụng phần vốn còn lại của dự án để mở rộng nền, mặt đường đoạn Hòa Liên - Túy Loan theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.
Trao đổi về việc tách đoạn Hòa Liên - Túy Loan khỏi dự án BT đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan để đầu tư bằng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2026, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, việc dừng đoạn tuyến này sẽ làm giảm áp lực vay nợ nước ngoài cho toàn dự án, giảm thiểu thiệt hại cho các bên. Theo tính toán, để hoàn thành đoạn Hòa Liên - Túy Loan đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, bao gồm nút giao Túy Loan và tuyến nối Hòa Liên - Quốc lộ 1 cần khoảng 2.743 tỷ đồng. Căn cứ Luật Đầu tư công, đây sẽ là dự án nhóm A, cần phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Phương án tổ chức giao thông dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên sắp cán đích hiện đã được Bộ GTVT phê duyệt khai thác theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (rộng 11m, 2 làn xe 2, tốc độ quy định 60-80 km/giờ, giai đoạn II mở rộng lên 4 làn xe, rộng 23-24m để nối tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) và chỉ cho phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép lưu thông (trừ các loại phương tiện giao thông theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Luật Giao thông đường bộ gồm: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).
Qua tìm hiểu của phóng viên, dự án này khi đưa vào khai thác mang lại lợi ích lớn, kết nối thông thương giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng do rút ngắn khoảng cách, phân lưu Quốc lộ 1, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển kinh tế xã hội liên vùng miền Trung - Tây Nguyên.
Nhiều người dân sinh sống tại các địa phương cơ sở có dự án đi qua chia sẻ, dù chưa chính thức khai thác, nhưng việc thông xe kỹ thuật sớm đoạn La Sơn - Hòa Liên từ cuối năm 2018 đã giúp người dân đi lại dễ dàng. Trước đây, xe từ huyện Nam Đông đi Thừa Thiên - Huế hay Đà Nẵng phải đi ra Quốc lộ 1, đi lại khá khó khăn.
Hiện nay có đường mới, thông thoáng, rút ngắn thời gian hành trình khoảng 30 phút. Đáng kể, từ huyện Nam Đông nếu theo Quốc lộ 1 đi Đà Nẵng phải mất 100km trước đây, giờ chỉ còn khoảng 55km. Tuyến đường là niềm mơ ước của địa phương vùng sâu, vùng xa Nam Đông, phá thế “ngõ cụt” của huyện miền núi, mở ra cơ hội thúc đẩy thông thương, du lịch...
Đón đầu xu thế này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định công bố thông tin các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh, trong đó có nhiều dự án khu vực Nam Đông như dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi Thác Mơ (thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông) kỳ vọng trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với các loại hình giải trí gần gũi với thiên nhiên; đồng thời, phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông lâm nghiệp, cung cấp đặc sản địa phương cho khách du lịch, xây dựng dịch vụ trải nghiệm các hoạt động văn hóa bản địa.
Ngoài ra, với cửa ngõ phía Bắc của TP Đà Nẵng đang được mở rộng tối đa nhờ hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ với tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sẽ góp phần giảm tải cho hầm Hải Vân, kết nối liên hoàn các tuyến cao tốc qua địa bàn trong tương lai. Từ đây, năng lực thông hành, vận tải của Đà Nẵng, miền Trung sẽ được thông thương, nhất là giúp vùng kinh tế phía Bắc, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố tăng trưởng đồng bộ.