01:10 04/01/2011

Đến với văn chương hoàn toàn không dự định

Không qua trường lớp đào tạo viết văn chuyên nghiệp nào, không hề có ý định sẽ trở thành nhà văn, gia đình cũng chẳng có ai theo nghiệp ấy, nhưng vài năm gần đây, Di Li...

Không qua trường lớp đào tạo viết văn chuyên nghiệp nào, không hề có ý định sẽ trở thành nhà văn, gia đình cũng chẳng có ai theo nghiệp ấy, nhưng vài năm gần đây, Di Li (tên thật là Nguyễn Diệu Linh, SN 1978), giảng viên tiếng Anh trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội lại xuất hiện trên văn đàn như một hiện tượng và cô trở nên nổi tiếng với nghề tay trái này.

Viết văn mỗi khi tức giận hay văn chương là duyên nghiệp?

Truyện ngắn đầu tay Di Li viết khi cô là sinh viên năm thứ hai khoa tiếng Đức, trường Đại học Ngoại ngữ (năm 1999). Đấy là truyện ngắn “Người hai mặt” in trên báo Hoa học trò. Truyện có hơi hướng kinh dị, kể về một cô bé thi trượt đại học và thường đi bán báo vào buổi tối. Bỗng một hôm, cô bé gặp một chuyện rất kỳ dị nhưng sau đó đã cho cô niềm tin vào cuộc sống và thi đỗ đại học.


Truyện chẳng có đầu đề, được viết tay trên giấy A4. Trước lúc ngồi viết một mạch truyện ngắn này, Di Li đã rất tức giận bởi một chuyện riêng tư, tất nhiên câu chuyện mà cô viết ra chẳng liên quan gì đến chuyện mà cô đang gặp phải cả.

Ngay khi viết xong, cô đưa nó cho mấy người bạn xem và bạn bè cô tỏ ra rất thích, họ chuyền tay đọc đến nhàu nát cả tờ giấy. “Lúc đó tôi đã phát hiện ra rằng, những lúc tức giận như thế, viết sẽ là cách xả stress rất hiệu quả.


Sau này, nhiều truyện được viết ra cũng vào những lúc bị bức xúc như thế. Càng tức giận, khó chịu thì càng lao đầu vào viết, giống như khi bực mình thì lôi bao cát ra đấm vậy. Tất nhiên về sau khi viết chuyên nghiệp rồi thì không phải cứ chờ “sự tức giận” đến mới có thể viết được. Song rõ ràng, tôi rất có cảm hứng sáng tác khi trong lòng có chuyện không vui”, Di Li cho biết.

“Tôi cho rằng mình có duyên với văn chương và cái duyên với nghiệp văn rất rõ ràng. Người có tài năng là một chuyện, nhưng đôi khi những người có tài năng thì con đường đến với văn chương lâu hơn”, cô nói.


Điều này thật đúng với Di Li. Thời còn đi học, điểm văn của cô chưa khi nào cao cả. Lứa nhà văn cùng với Di Li khi hỏi ra người nào cũng từng là học sinh giỏi văn, từng đi thi cấp tỉnh, cấp thành phố, được giải tác phẩm Tuổi xanh và thiên hướng của họ bộc lộ từ rất sớm. Với Di Li thì không.

Cả nhà Di Li cũng chẳng có ai viết văn. Bố là nhiếp ảnh gia, thỉnh thoảng ông viết bài cộng tác với một vài tờ báo. Mẹ là giáo viên, em gái là vũ công (nhà Di Li chỉ có hai chị em).


Tất nhiên như thế thì cũng gọi là gia đình có thiên hướng về nghệ thuật, nhưng rõ ràng không thể ảnh hưởng lẫn nhau. Sau này khi lấy chồng, gia đình chồng cũng chẳng ai theo nghiệp này. Chồng cô là giám đốc của một công ty chuyên về tổ chức sự kiện, PR, quảng cáo; bố chồng là nhạc sĩ Vĩnh Cát, người thiên hẳn về môn nghệ thuật hoàn toàn chẳng liên quan gì đến truyện ngắn, nhất là truyện kinh dị-thể loại cô rất ưa thích và đã từng gây tiếng vang với tiểu thuyết kinh dị Trại hoa đỏ.

Phải gặp bằng được bác Như Mai…

“Trở lại chuyện vì sao nói tôi có duyên với nghề văn. Khi truyện ngắn đầu tay viết xong, tôi mang bản thảo không có cả đầu đề ấy đến báo Sinh viên. Khi đến nơi, tôi nằng nặc nói với bảo vệ cho tôi gặp bác Như Mai (khi ấy là thư ký tòa soạn). Tôi nhất quyết gặp bác ấy vì sợ truyện của mình bị quẳng đi mất, nếu gửi được đích danh thì sau đó có thể gọi điện hỏi xem số phận của nó thế nào.


Nhưng bảo vệ nói là bài vở cứ để đấy họ sẽ chuyển lên. Thế là tôi cứ đứng đấy tranh cãi. Bỗng có một chị ra hỏi có chuyện gì, tôi nói là đến gửi bài. Chị ấy bảo: “Bài vở thì đưa đây”. Cầm bản thảo trên tay, chị ấy còn nói: “Bài vở chẳng có tên tác giả gì cả thế? Em đề tên vào đây”. Tôi viết: Nguyễn Diệu Linh, sinh viên khoa tiếng Đức, Đại học Ngoại ngữ.


5 ngày sau thì truyện ngắn được in. Nhưng truyện in ở Hoa học trò, chứ không phải báo Sinh viên. Có nghĩa là lúc ấy nếu tôi đi về, nếu như bản thảo không phải đưa cho chị ấy, nếu như truyện ngắn này gửi lên báo Sinh viên, chắc gì đã được in bởi có thể không hợp với gu của báo chưa kể trên ấy bản thảo lúc nào cũng chất đống. Truyện của tôi có thể chưa chắc đã hay, nhưng đúng lúc Hoa học trò đang cần nên được nhìn tới chẳng hạn”.

Lần khác, khi quyết định đến báo Văn nghệ gửi truyện ngắn “Quà tặng cuối cùng” (khi ấy, Di Li quan niệm rằng, sẽ chưa thể gọi là người viết văn chuyên nghiệp nếu chưa có truyện ngắn in trên báo Văn nghệ) cô cũng làm y như thế.


Dứt khoát phải gặp được bác Hữu Thỉnh (khi ấy là tổng biên tập), đưa tận tay mới được. Khi đến nơi, nghe mọi người nói: Bác ấy vừa đi ra, đang ngồi trong xe ô tô, nhanh lên không bác đi mất. Lúc đấy xe lăn bánh rồi, cô bèn chạy ra, giơ tay ra chặn xe lại. Bác Hữu Thỉnh thấy vậy, hạ kính xuống hỏi: Có chuyện gì thế? – cháu gửi truyện, –truyện gì đưa đây.


Sau đó truyện được đăng, tất nhiên là phải mất vài lần sửa chữa, do chính bác Hữu Thỉnh gọi điện bảo cô mang về sửa. “Sau đấy tôi cứ nghĩ, nếu như lúc ấy không gặp được bác Hữu Thỉnh, truyện của mình quẳng ở đấy, tòa soạn báo thì toàn tác phẩm của cây đa cây đề hoặc những người quen biết, trong khi mình là người lạ, cây bút mới toanh, ai để ý đến.


Và nếu không gặp bác ấy, nếu bản thảo do người khác biên tập, ai người ta hơi đâu gọi mình, người ta sẽ quẳng tác phẩm của mình đi chứ làm sao mà được in”, cô kể rất thành thật.

Sau hai lần như thế, Di Li càng khẳng định rằng, cô thật sự có duyên với văn chương.

Và quả thật, cô viết rất khỏe, mỗi năm xuất bản vài tập truyện ngắn, viết cả tiểu thuyết trinh thám kinh dị, xuất bản cả truyện dịch; trong khi cô vẫn đi dạy học, vẫn tham gia viết bài cho không ít tờ báo lớn nhỏ.


Viết khỏe như thế, nhưng điều rất đặc biệt là, cô chỉ làm việc ban ngày, chưa bao giờ có khái niệm ngồi làm việc ban đêm, ngay cả khi còn đi học cũng vậy, không bao giờ học bài vào buổi tối.

Lúc nào cũng tràn ngập ý tưởng

Nếu để ý trên các quầy bán sách, nhất là giá để những cuốn sách mới xuất bản, thế nào cũng thấy tác phẩm mới của cô. Trên các trang báo cũng xuất hiện không ít truyện ngắn cô viết.


Quả là thế thật, vài năm lại đây, khi cái tên Di Li bắt đầu xuất hiện trên văn đàn, hình như chẳng có lúc nào mà Di Li không viết cái gì đó. Chỉ riêng trong năm 2010, ngoài ba tập truyện ngắn đã xuất bản: Đôi khi tình yêu vẫn đi lạc đường, Tàn tích, Chiếc gương đồng; dịch hai cuốn: Bóng đêm bao trùm, Rừng Răng - tay (Tiểu thuyết có sự pha trộn của yếu tố kinh dị và lãng mạn; tuy yếu tố kinh dị không nhiều.


Cô cho biết đây là tác phẩm có tứ rất lạ; là cuốn cô rất thích vì nhân vật chính có cái gì rất giống mình); thì cô đã hoàn thành bản thảo ba tác phẩm nữa là: Cooktail thị thành (200 trang), Nhật ký mùa hạ (400 trang) và Đối thoại làng văn.

Trong đó, Cooktail thị thành hiện vẫn do Di Li thực hiện cho chuyên mục Văn hóa sống của báo Thể thao và Văn hóa. Đối thoại làng văn gồm có 30 chân dung nhà văn, nhà thơ cả trong nước lẫn quốc tế (một số chân dung Di Li viết đã đăng rải rác trên các báo).


Nhật ký mùa hạ là cuốn hồi ký học đường của chính cô, gồm 50 câu chuyện có thật từ lúc Di Li mới 4 tuổi cho đến khi vào đại học năm thứ hai. Ý tưởng để viết Nhật ký mùa hạ bắt đầu từ việc một hôm cô viết một mẩu vui vui về kỷ niệm thời học trò trên blog.


Và cô nghĩ, tại sao lại không viết và tập hợp thành một cuốn hồi ký nhỉ, những thứ như thế này cô có rất nhiều, tất cả đều rất sống động, rất thật của tuổi học trò.

Di Li kể, hồi nhỏ cô rất nghịch. Suốt từ lúc đi học cho đến năm lớp 9, cô rất hay bị phạt vì tội đánh nhau. “Lúc còn nhỏ chưa đi học, không ngày nào không bị bố mẹ chúng bạn dắt con đến nhà “kiện” vì con ông bà đánh con tôi thế này.


Hồi học cấp hai, có một lần đánh nhau bị mời lên ban giám hiệu, nhưng khi hai cô học trò cùng tham gia vụ ấy lên gặp cô hiệu phó thì cô giáo nói, hai đứa đánh nhau chắc bạn kia đầu trò thôi chứ con bé này nhìn mặt mũi hiền lành thế này thì chắc không phải đâu.


Lên cấp 3 rồi cũng vẫn bị gọi lên ban giám hiệu bởi toàn đầu têu nghịch ngợm. Thời đại học cũng bị đích thân trưởng khoa gọi lên. Cả quãng thời gian học đường thì nghịch lắm, được cái là học tốt, đại học vẫn được học bổng (dù chốn học suốt)”, cô kể.

Cả ba tác phẩm này đều dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào đầu năm 2011. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, cùng lúc thực hiện các tác phẩm trên, cô vẫn song song viết cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị Câu lạc bộ số 7. Ban đầu cuốn tiểu thuyết này có tên là Giáo phái.


Tiểu thuyết này sẽ có 20 chương, bây giờ cô đang viết chương thứ 6. Bản thảo viết đến đâu, cô đưa bạn bè đọc đến đấy, có người đọc mấy chương đầu bảo là còn rùng rợn hơn Trại hoa đỏ.

Nhưng với Di Li, cái mà cô ấp ủ, thai nghén mà chắc phải rất lâu mới hoàn thành là cô sẽ viết một cuốn tiểu thuyết thể loại trinh thám kinh dị có bối cảnh lịch sử, đó là Đà Nẵng-Hội An vào thế kỷ 18.


Nhân vật chính là một anh chàng đi theo chuyến tàu buôn của Bồ Đào Nha và trên chuyến tàu ấy anh này gặp rất nhiều chuyện. Đây là tác phẩm không dễ viết, cần rất nhiều tư liệu, và cô mong muốn viết làm sao cho câu chuyện của mình phải thật gần gũi dù bối cảnh không gian đã lùi xa.

Có thể nói, với sức viết như thế, không biết hiện giờ với cô, đâu mới là nghề tay phải: Dạy học hay viết văn? Nhưng một điều có thể thấy rõ là, cô không ngừng lao động.


Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, cô lấy đâu ra thời gian mà viết nhiều thế? Hỏi cô, cô cũng bảo: Chịu! Có lẽ là ở một khía cạnh nào đó, nên đồng tình với đức lang quân của cô khi anh đã có lúc phải thốt lên rằng: “Hình như viết với em là một thú vui vậy”.

Xuân Phong