06:17 12/06/2014

Đến trường bằng “võng” cầu treo

Tỉnh Quảng Nam có 8 huyện miền núi, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Kor, Giẻ - Triêng, Xơ đăng... Do bị chi phối bởi địa hình và điều kiện kinh tế nên các huyện miền núi vẫn còn nhiều cầu treo dân sinh.

Tỉnh Quảng Nam có 8 huyện miền núi, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Kor, Giẻ - Triêng, Xơ đăng... Do bị chi phối bởi địa hình và điều kiện kinh tế nên các huyện miền núi vẫn còn nhiều cầu treo dân sinh. Điều đáng lo ngại là trong số hàng trăm chiếc cầu treo đang bị xuống cấp, có nhiều cây cầu hàng ngày đón hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số qua lại để đến trường.


Học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Phước Kim, huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) đến trường.


Thầy giáo Trà Văn Nhiều, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Phước Kim, huyện vùng cao Phước Sơn cho biết, toàn xã có 5 điểm trường học. Hàng ngày các em học sinh phải đi qua nhiều chiếc cầu treo bắc qua sông rộng, suối sâu để đến trường. Mùa nắng thì còn dễ chịu, còn về mùa mưa, nhà trường rất lo ngại đến sự an toàn của học sinh và giáo viên khi buộc phải đi trên những chiếc cầu treo này.

Cách trung tâm xã không xa là điểm trường thuộc Tiểu học thôn Luông B. Hằng ngày gần 100 học sinh và giáo viên điểm trường này phải qua cầu treo thôn Luông B được xây dựng và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2011. Tuy thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng do không có dây cáp neo giữ ổn định nên cầu treo thôn Luông B luôn trong tình trạng như chiếc võng bắc qua sông, vô cùng nguy hiểm.

Cầu treo thôn Luông B chỉ là một trong số hàng trăm cầu treo ở tỉnh Quảng Nam hiện đã và đang xuống cấp đến mức báo động.

Xuống cấp nghiêm trọng

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam kiểm tra cầu treo trên địa bàn.


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổng kiểm tra và đề xuất hướng xử lý những cầu treo bị hư hỏng trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy: Toàn tỉnh hiện có 162 cầu treo ở chín huyện miền núi, trong đó có 63 cầu tạm do người dân tự xây dựng, không có bản vẽ thiết kế và bị hư hỏng nặng, 99 cầu treo kiên cố, trong đó 56 cầu xuống cấp nghiêm trọng. Riêng tại hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My có 83 cầu treo thì có đến 60 cầu tạm do người dân tự làm nên hoàn toàn không có bản vẽ thiết kế hay tiêu chuẩn kỹ thuật nào cả, số còn lại đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây phần lớn là những cây cầu bắc qua sông, suối nối với khu dân cư, cầu dẫn đến các điểm trường học trên địa bàn những khu dân cư xa xôi, giao thông còn chậm phát triển.

Trước thực trạng hệ thống cầu treo dân sinh ở các huyện miền núi đã xuống cấp đến mức báo động, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Nam đề nghị chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động tại các cây cầu này để đảm bảo an toàn cho người dân. Với những cầu hư hỏng nặng, tuyệt đối nghiêm cấm người dân qua lại, nhất là các em học sinh. Đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng sớm lập các biển báo, cảnh báo trọng tải ở tất cả cầu treo trên địa bàn để đề phòng tình trạng sập cầu khi “cõng” quá mức tải trọng cho phép, kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa, riêng đối với những cầu xuống cấp nghiêm trọng thì kiên quyết tháo dỡ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Cần quan tâm trước khi quá muộn

Ông Trần Thanh An, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, trước mắt để đảm bảo cho học sinh đến trường cũng như đi lại hằng ngày của bà con ở các thôn, bản vùng sâu vùng xa, một số huyện như Hiệp Đức, Phước Sơn đã có những cố gắng nhất định trong công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn, còn nhiều địa phương khác nơi có hàng trăm cầu treo đang sử dụng nhưng nhiều năm liền công tác duy tu, bảo dưỡng không được chú ý nên dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng của các cầu treo dân sinh, điều này tiềm ẩn những nguy cơ khó lường có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào, nhất là các cầu treo dẫn đến các điểm trường học ở thôn bản xa xôi.

Để lường trước nguy hiểm có thể xảy ra, trước mắt ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động tại các cây cầu này để đảm bảo an toàn cho người dân. Với những cầu hư hỏng nặng, tuyệt đối nghiêm cấm người dân qua lại, nhất là các em học sinh, đề nghị các địa phương sớm lập các biển báo, cảnh báo trọng tải ở tất cả cầu treo trên địa bàn. Riêng đối với những cầu xuống cấp nghiêm trọng thì kiên quyết tháo dỡ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Về lâu dài, ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đã có góp ý với Bộ Giao thông Vận tải về phương thức đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành cầu treo. Ngành cũng đang xây dựng phương án trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt để qua đó bố trí nguồn vốn thường xuyên để duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn

Do điều kiện địa hình chi phối và điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên cầu treo dân sinh ở các huyện miền núi vẫn còn tồn tại là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc kiểm tra, duy tu bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm cho hệ thống cầu treo hoạt động an toàn và ổn định là điều hết sức cần thiết nhưng lại chưa được nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam quan tâm đúng mức. Đã đến lúc việc quản lý chất lượng và duy tu hệ thống cầu treo trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam cần được quan tâm đúng mức trước khi quá muộn.


Bài và ảnh:
Đoàn Hữu Trung