07:09 15/07/2011

Đến hẹn lại… đốt

1. Dư luận mới đây lại bức xúc về chuyện nông dân phơi thóc lúa trên đường, thậm chí cả quốc lộ; đốt rơm gây ô nhiễm môi trường, thậm chí gây không ít tai nạn cho người đi đường…

1. Dư luận mới đây lại bức xúc về chuyện nông dân phơi thóc lúa trên đường, thậm chí cả quốc lộ; đốt rơm gây ô nhiễm môi trường, thậm chí gây không ít tai nạn cho người đi đường… Sự việc này xuất hiện đã lâu nhưng những năm gần đây ngày càng gia tăng khi mà chuyện chất đốt không còn là “vấn đề” đối với người dân nông thôn. Thế là, tình trạng đến hẹn lại… đốt đã trở thành vấn nạn thực sự. Nhưng, trách nhiệm thuộc về ai?

Đốt rơm sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Hoàng Lâm-TTXVN


2. Đương nhiên đầu tiên trách nhiệm này thuộc về người dân, thủ phạm gây nên những đợt khói bụi tràn cả vào thành phố; thủ phạm gây nên những vụ trượt ngã vì thóc, vì rơm và cả những vụ cháy ô tô, xe máy do đốt rơm gây nên. Nhưng nếu suy xét kỹ, thì có lẽ trách nhiệm không dừng lại ở đó.

3. Ai cũng biết trước đây ở miền Bắc, hầu như mỗi đội sản xuất đều có sân kho riêng để tập kết lúa gặt về và đập, tuốt, phơi phóng… Nhưng từ khi thực hiện khoán hộ, những sân kho này dần dần bị biến thành những công trình khác hoặc chia lô bán cho dân làm nhà. Thế là, người nông dân kê ngay máy trên đường để tuốt lúa rồi phơi phóng, phần vì… tiện, phần vì cũng không còn sân kho để tiến hành những công việc này nữa. Người ta lo xây trụ sở, lo bán đất làm nhà… nhưng không ai tính đến cơ sở tối thiểu này cho sản xuất nông nghiệp. Và, trong những quy hoạch xây dựng nông thôn mới, không biết có xã nào tính đến vấn đề này không.

4. Về chuyện rơm rạ: Trước đây, rơm rạ là một phần thiết yếu trong đời sống người nông dân. Không những làm chất đốt, rơm còn là thức ăn dự trữ cho trâu bò, rạ còn dùng để lợp nhà. Nhưng hiện nay, phần lớn nhà cửa ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ đã ngói hóa, bê tông hóa; bếp đun sử dụng than và khí sinh học… thì rơm rạ không biết dùng để làm gì nên người nông dân chỉ còn cách… đốt. Trong khi thực ra, rơm là nguồn nguyên liệu quý để trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế rất cao. Sau khi khai thác nấm, phần rơm lại là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt.

5. Xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) có nghề gia truyền sản xuất miến và bánh đa. Mỗi năm, làng nghề này thải ra môi trường gần 600.000 tấn rác thải hữu cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ấy thế mà một nhóm học sinh lớp 12 ở địa phương đã mày mò nghiên cứu và chế biến thành công than đốt hữu cơ từ nguồn phế thải này vừa tạo ra của cải, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường tưởng như không có lối thoát tại địa phương.

Dẫn ra câu chuyện trên để thấy, không có vấn nạn nào là không thể giải quyết. Chuyện… đốt rơm cũng vậy. Vấn đề là cần có sự tuyên truyền, hướng dẫn, thậm chí có cơ chế chính sách khuyến khích người dân sử dụng rơm thế nào cho hiệu quả, từ đó biến “vấn nạn” thành lợi ích kinh tế chứ không phải chỉ biết lên án người dân. Trách nhiệm này phải chăng thuộc về chính quyền cơ sở và cơ quan khuyến nông.

Tuệ Duyên