02:23 04/02/2012

Đêm lễ của nõ nường

Đến xem Lễ hội Trò Trám để thấy rằng tín ngưỡng phồn thực vẫn được những người dân mảnh đất trung du Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) lưu giữ nguyên vẹn.

Đến xem Lễ hội Trò Trám để thấy rằng tín ngưỡng phồn thực vẫn được những người dân mảnh đất trung du Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) lưu giữ nguyên vẹn.

Giờ linh của Lễ Mật (giờ Tý đêm 11 tháng Giêng), linh vật (nõ nường) được rước xuống bàn thờ trong miếu Đụ Đị. Trong cái tĩnh lặng của đêm ấy giọng cụ chủ tế cất lên trầm vang: Linh... tinh… tình... phộc. Nghe cái “phộc” rất nhẹ, rồi tiếng phào của cả ngàn người cùng mừng rỡ mà… thở. Sau 3 lần nghe tiếng “phộc” ngọt, không bị “cạch”, trượt ra ngoài, nõ nường hòa hợp, âm dương giao hòa, vạn vật học theo mà sinh sôi. Đất trời đã chứng cho Lễ Mật thành công, cụ chủ tế mở cửa đền hào sảng hô: Tháo… kh... oán. Cả ngàn người quanh miếu òa ra trong tiếng reo, hú, cả tiếng ré lên của đám đàn bà, con gái.

Lễ tế và người dân dâng hương trong miếu Trò Trám.

Thuở xưa, sau Lễ Mật, giờ tháo khoán, đàn ông, đàn bà, ôm lấy nhau nhảy múa, giao hoan. Những đứa trẻ nên hình hài trong đêm ấy được coi là điều may mắn của làng. Trai gái muốn cưới nhau mà không được phép thường chọn đêm lễ mật để “gần gũi”, có kết quả chỉ cần sắm quả cau, lá trầu báo làng là xong. Linh vật nõ nường làm bằng gỗ vông và mo nang, sau đêm lễ mật được các cụ đưa ra ao ngâm, dân làng lấy nước ấy tưới lên đồng ruộng lấy may, trừ dịch bệnh cho mùa màng.
Hội làng còn tiếp tục với những trò vui rất thơ “Gặp đây anh mới hỏi nàng/ Cái gì lủng lẳng một gang trong quần”. Trò Trám bắt đầu như thế, bằng cái giọng vốn rất nặng của dân làng Trám được anh trai đinh trong vai chủ trò kéo dài cho thêm méo theo những nhịp bước chân… ứ… hự. Hàng ngàn người bắt đầu đã ngả nghiêng cười. Tối hôm trước xem, cười, sáng sau xem lại, biết rồi mà vẫn cứ phải cười, không cưỡng được. Đối với người dân làng Trám được chọn vào vai trò là một vinh dự lớn. Có người 10 năm vào vai người câu cá vẫn quyết không nhường lại cho ai cái vai của mình, dẫu mỗi năm mất mấy chục ngày tập để “vác tù và” cho một buổi hội làng.

Hãnh diện vì có mặt trong đoàn rước.

Ông chủ trò lĩnh xướng các tích tứ dân chi.

Chữ trên là trên chữ dưới, chữ dưới là dưới chữ trên... chữ thầy phải trả lại thầy, thầy còn đi... dạy người khác (tích thầy đồ dạy học).

Ai ơi chớ bảo tôi già, tôi còn gánh được dăm ba cái... lờ (tích Ông lão đánh cá).

Người ta câu búc câu rô, tôi nay câu lấy một cô chưa chồng (tích trò câu cá diễn xướng trên đường rước bông lúa thần).

Mẹ trẻ lại trong ngày hội Trò Trám.

Già trẻ đều nắc nẻ cười.

Nõ nường hòa hợp theo lời hô “linh tinh tình phộc” của cụ chủ tế trong Lễ Mật của Lễ hội Trò Trám.

Để rồi sau hội làng, sau những trận cười ngả nghiêng là rớt nước mắt vì nhớ. Nhớ mãi tinh thần phồn thực của hội làng là tinh thần lạc quan, nhân bản. Một trong những cuộc lương duyên với chất thơ “nhây nhả” đầy phồn thực của làng Trám đã để lại cho đời dòng thơ rất riêng, không thể trộn lẫn mang tên thơ Hồ Xuân Hương. Bà chính là dâu con của làng.

Phóng sự ảnh của Xuân Trường