04:07 26/04/2018

Đêm của tình hữu nghị Việt Nga tại Học viện Tài chính Moskva

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 25/4, đúng ngày Giỗ Tổ Vua Hùng và chào mừng năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Học viện Tài chính, sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây đã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật “Đêm của tình hữu nghị Nga-Việt”.

Lãnh đạo nhà trường và đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã đến dự và thưởng thức chương trình.

Với bề dày lịch sử hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, từ những năm 1960 Học viện Tài chính Nga đã đào tạo những thế hệ cán bộ đầu tiên của ngành ngân hàng cho Việt Nam. Cho đến nay đã có các cựu sinh viên của Học viện giữ các trọng trách trong ngành, kể cả thống đốc ngân hàng, thứ trưởng, giám đốc ngân hàng, giảng viên đại học... Hợp tác ngày càng phát triển, mở rộng thêm diện đào tạo, từ dài hạn, đến ngắn hạn, nâng cao trình độ. Nay ngoài cơ quan quản lý lưu học sinh của Sứ quán, còn có đại diện Học viện Ngân hàng Việt Nam thường trực theo sát các sinh viên ngành tài chính, ngân hàng ở đây. Bà Tô Tuyết Khanh đã đảm nhiệm công việc này gần 10 năm qua và thực sự là người đỡ đầu cho tất cả các hoạt động ngoại khóa, giúp các em vượt qua khó khăn trong sinh hoạt, học tập.

Chương trình văn nghệ được bắt đầu bằng những lá thư cảm động từ các sinh viên cũ từ Việt Nam. Những người nay đã gần 70 tuổi song vẫn còn nhớ tên các giáo viên của mình, nhớ các kỷ niệm thời sinh viên và nhất là tình cảm chân tình và quan tâm mà họ nhận được trên đất nước Xô viết xa xôi vào những ngày quê hương còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Còn thế hệ sinh viên gần đây, nhiều người đang làm việc tại các tập đoàn tài chính hàng đầu, thuộc nhóm “Bộ Tứ lớn” (Big 4) cũng khẳng định, ngoài một nghề nghiệp vững vàng và uy tín, những năm tháng học tại nước Nga đã đặt khởi đầu thuận lợi cho cả quá trình mở rộng tầm nhìn, mở rộng thế giới quan, chinh phục những đỉnh cao nghề nghiệp sau này.

Trước những hồi tưởng ấy, Công sứ Lại Ngọc Đoàn, cũng là một cựu sinh viên tại Liên Xô trước kia, khẳng định truyền thống tôn sư học đạo của dân tộc, được bồi đắp và đạt thành tích qua nhiều thế hệ, bất chấp những thay đổi thời cuộc. Cho dù ngôn ngữ tiếng Nga là rào cản không dễ vượt qua đối với người nước ngoài, song chưa bao giờ là cản trở trong học tập đối với sinh viên Việt Nam ở tất cả các thế hệ học tập tại Nga.

Trưởng khoa dự bị Tatyana Protarchuk nơi hiện có 40 sinh viên Việt Nam theo học cho biết, từ góc độ nhà tài chính, bà tự hào và vui mừng khi Việt Nam quyết định chọn Học viện Tài chính để đầu tư giáo dục. Vì đây là sự đầu tư có lãi nhất, đảm bảo đồng vốn đầu tư sẽ tăng lên nhiều lần và đem lại nhiều lợi ích cho đất nước đầu tư.

Giáo sư Katerina Kameneva, Hiệu phó phụ trách giáo dục và quan hệ quốc tế, chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà vui mừng khi hợp tác với Việt Nam được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Hiện trường Tài chính có 142 sinh viên Việt Nam theo học ở nhiều hình thức. Các em rất chăm chỉ, thân thiện, hầu như vượt qua rào cản ngôn ngữ rất dễ dàng trong đời sống chuyên môn và sinh hoạt. Chương trình giao lưu nghệ thuật ngày hôm nay cho thấy sự hội nhập tốt của các em, cũng như bản sắc Việt mà các em đã lan tỏa trong môi trường học tập của mình.

Đơn vị trưởng sinh viên Việt Nam Học viện tài chính Nguyễn Thảo Ly cho biết, các em đã chuẩn bị cả tháng nay cho chương trình, đặc biệt để nhấn mạnh được chủ đề đó là tình hữu nghị Nga-Việt lồng trong tình cảm thân thiện, biết ơn và hợp tác giữa Học viện Tài chính Nga với Học viện Ngân hàng Việt Nam.

Có thể nhận thấy sự cố gắng đó không uổng phí, các tiết mục được đầu tư công phu từ trang phục, dàn dựng âm nhạc, biên đạo. Những điệu múa hoa sen, múa trống, diễn tấu đàn dân tộc cùng với violon đã thu hút được các khán giả từ đầu đến cuối, nhiều vị khách đã dùng điện thoại quay lưu lại cho mình một giai điệu, một giọng hát, một tà áo dài thướt tha, một cảm xúc hùng thiêng trong hình ảnh rừng tre bất khuất. Tất cả những cảm xúc tích cực ấy đến từ tình thầy trò, từ tình hữu nghị Nga-Việt, từ bề dày văn hóa Việt Nam.

TTXVN/Báo Tin tức