03:09 02/03/2018

Đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm về an toàn thực phẩm

Đại diện Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quảng Ninh kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng chế tài đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tỉnh răn đe.

Ngoài ra, BCĐ 389 Quảng Ninh kiến nghị tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, chiến sỹ về lấy mẫu thử test nhanh thực phẩm, kỹ năng kiểm tra, phát hiện dấu hiệu thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hồ sơ công bố; cho phép tạm ứng và thanh toán từ kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để tiêu hủy hàng hóa (thực phẩm) vi phạm và các chi phí khác như: bảo quản, tạm giữ hàng hóa.

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam thu giữ hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN.

Cần ghi cụ thể tên các cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm mà không quy định chung chung như hiện nay.

Tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua tại địa bàn Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát. BCĐ 389 tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng trọng điểm; đồng thời chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án, các đợt cao điểm, chiến dịch tấn công trấn áp tội phạm, tập trung công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Chi cục An toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tổ chức Hội nghị bàn biện pháp phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xét nghiệm và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm (đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả). Tiến hành rà soát, phát sổ mua bán thực phẩm cho 164 chủ phương tiện (chủ hàng), 273 hộ kinh doanh tại các chợ; Lấy 287 mẫu xét nghiệm, kết quả 265 mẫu đạt, 22 mẫu không đạt (có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu vượt giới hạn cho phép); đồng loạt ra quân tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; phát hiện, xử lý 190 vụ vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tiêu hủy 6.114 lít rượu, 522 chai rượu.

Bộ Chỉ huy Bộ Đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới, vùng biển, cửa khẩu...; tổ chức lực lượng mật phục ở địa bàn trọng điểm, tuyến đường đối tượng buôn lậu tập kết, vận chuyển thực phẩm bẩn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên theo lực lượng chức năng, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, xảy ra chủ yếu ở khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh, tiêu thụ, mặt hàng chủ yếu là phụ gia thực phẩm, hải sản, bánh kẹo, hoa quả; việc sử dụng nguyên vật liệu, phụ gia không đảm bảo VSATTP và kinh doanh, vận chuyển dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn và thuốc ăn chăn nuôi thủy hải sản nhập lậu có dấu hiệu gia tăng với phương thức thủ đoạn chủ yếu là sử dụng đa dạng các loại phương tiện (xe du lịch, xe tải, xe khách, xe tải thùng kín, xe môtô…) vận chuyển trốn tránh qua các trạm, chốt kiểm soát của lực lượng chức năng đưa vào tuyến trong tiêu thụ.

Đối với hoạt động vận chuyển gia cầm nhập lậu nổi lên một số phương thức thủ đoạn như: Thuê xe ôm đi thành từng tốp từ 2 đến 4 xe, mỗi xe vận chuyển từ 1 đến 2 lồng hàng chạy với tốc độ cao để vượt qua các trạm, chốt kiểm soát; Sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch gia cầm nội địa để hợp thức cho gia cầm nhập lậu với lý do vận chuyển đi nhưng không bán được phải quay về; Cất giấu lồng có gia cầm ở giữa, dưới sàn xe và công khai các lồng hàng rỗng trên thành xe để qua mắt lực lượng chức năng. Các đối tượng lợi dụng danh nghĩa cơ sở kinh doanh để tập kết, tiêu thụ trái phép hàng hóa nhập lậu. Đáng chú ý là vi phạm ATTP trong sản xuất nông nghiệp có chiều hướng nghiêm trọng như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn gia súc nhập lậu, ngoài danh mục cho phép dẫn đến ATTP trong nuôi trồng không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng người tiêu dùng.

Thực phẩm tươi sống rau, củ, quả, thịt, thủy sản theo quy định không bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa, phần lớn chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm.

Dự báo tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục có diễn biến phực tạp, với phương thức thủ đoạn hoạt động mới và tinh vi, tiềm ẩn gia tăng tội phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, trong thời gian tới BCĐ 389 tỉnh Quảng Ninh cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác đấu tranh, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa liên quan đến các mặt hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo các lực chức năng, BCĐ 389 địa phương xây dựng, triển khai các kế hoạch công tác đấu tranh, xử lý vi phạm về VSATTP; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, kiểm tra, bắt giữ, xử lý với các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa liên quan đến các mặt hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Minh Phương/Báo Tin tức