03:06 22/03/2018

Đề xuất phạt nộp gấp đôi mức lãi suất đầu tư quỹ nếu chậm đóng BHXH

Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người sử dụng lao động sẽ bị phạt nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Bàn giao sổ BHXH cho người lao động chuyển việc làm tại BHXH Quế Võ (Bắc Ninh).

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất nâng mức nộp phạt tiền chậm đóng BHXH.


Theo Bộ LĐTBXH, thời gian vừa qua, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ đã góp phần thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, gần đây, nhiều Luật có liên quan trực tiếp đến Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, ban hành mới; đã làm cho một số quy định trong hai Nghị định trên không còn phù hợp với nhiều hành vi vi phạm mới và thẩm quyền xử phạt.


Cụ thể, Luật BHXH 2014 thay thế Luật BHXH 2006; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017 được ban hành. Theo đó, một số hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn lao động, BHXH vừa bị xử lý hành chính, vừa bị xử lý hình sự; hoặc có hành vi vi phạm để bị xử lý hình sự thì phải bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này.


Bên cạnh đó, quá trình tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã cho thấy một số bất cập, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, an toàn, vệ sinh lao động và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: Mức xử phạt thấp, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả chưa đảm bảo tính răn đe; tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp khó khăn (đối tượng vi phạm chây ì không thực hiện quyết định xử phạt, hay một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt chưa mang lại hiệu quả cao), khó khăn trong việc xác định tổ chức vi phạm hành chính.


Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành trong lĩnh vực lao động (trong đó có an toàn, vệ sinh lao động), BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm kịp thời đưa những quy định mới của pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.


Theo dự thảo, người sử dụng lao động nếu có hành vi chiếm dụng tiền trợ cấp BHXH của NLĐ thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Đồng thời, bắt buộc phải trả lại đầy đủ số tiền trợ cấp đã chiếm dụng cho NLĐ và nộp lại toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc sử dụng số tiền chiếm dụng.


Với những trường hợp chiếm dụng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp hay trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp có thể bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH, BH thất nghiệp nếu chiếm dụng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp hoặc trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp của toàn bộ NLĐ.


Tỷ lệ về mức phạt vẫn giữ nguyên nhưng điểm đáng chú ý là người sử dụng lao động còn buộc nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.


Thực tế, một số doanh nghiệp cố tình chậm đóng tiền BHXH, BH thất nghiệp để chiếm dụng vốn cho kinh doanh do mức phạt thấp. Với quy định mới này sẽ khắc phục điểm bất cập lâu nay.


Bên cạnh đó, nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH.


Dự thảo dự kiến được thông qua và có hiệu lực trong năm 2018, thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP.


XC/Báo Tin tức