Bộ Tài chính đang đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng.
Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng. Ảnh: TTXVN
Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng.
Tại Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vừa được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án nâng mức giảm trừ. Cụ thể, phương án 1 được Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 13,3 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng, áp dụng từ năm 2026.
Phương án 2 được đề xuất tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng, áp dụng từ năm 2026. Bộ Tài chính đề xuất ưu tiên áp dụng phương án này.
Lý giải đề xuất này, Bộ Tài chính giải thích do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lũy kế từ năm 2020 đến năm 2025 tăng khoảng 21,24%. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dự kiến được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026, sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Tính toán của Bộ Tài chính cho hay, chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 12.000 tỷ đồng theo phương án 1 và 21.000 tỷ đồng theo phương án 2. Tuy nhiên, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.
Về biểu thuế lũy tiến từng phần, tại Dự thảo, Bộ Tài chính nhận định có thể nghiên cứu điều chỉnh theo hướng cắt giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống mức phù hợp hơn, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế, nhằm đảm bảo tính điều tiết hiệu quả hơn đối với nhóm có thu nhập cao. Việc tinh giản biểu thuế không chỉ góp phần đơn giản hóa thủ tục kê khai, nộp thuế mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi biểu thuế:
Phương án 1, thu nhập tính thuế được chia thành 5 bậc: Phần thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng áp dụng thuế suất 5%; thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng chịu thuế suất 15%; 30 - 50 triệu đồng là 25%; 50 - 80 triệu đồng ở mức 30%; trên 80 triệu đồng áp dụng thuế suất 35%.
Với phương án trên, cá nhân có thu nhập thuộc bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng, tuy nhiên, với việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, phần lớn người thuộc bậc 1 sẽ được giảm thuế. Các cá nhân đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên đều được giảm trừ nghĩa vụ thuế so với hiện tại.
Cụ thể, người có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng; 30 triệu đồng/tháng giảm 850.000 đồng; 40 triệu đồng/tháng giảm 750.000 đồng; 80 triệu đồng/tháng giảm 650.000 đồng.
Phương án 2, giữ nguyên 5 bậc thuế nhưng điều chỉnh lại khoảng cách thu nhập theo hướng nới rộng hơn ở các bậc cao. Cụ thể, thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5%; thu nhập 10 đến 30 triệu đồng áp thuế 15%; 30-60 triệu đồng áp mức 25%; 60-100 triệu đồng là 30%; và trên 100 triệu đồng chịu thuế suất 35%.
Theo Bộ Tài chính, ở phương án này, cơ bản mọi cá nhân có thu nhập tính thuế từ 50 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ được giảm thuế tương đương phương án 1. Tuy nhiên, với nhóm thu nhập cao hơn 50 triệu đồng/tháng, mức giảm thuế sẽ lớn hơn so với phương án 1. Do đó, tổng số thu ngân sách theo phương án này sẽ giảm nhiều hơn.