12:05 07/12/2017

Đề xuất miễn học phí đến cấp THCS cả trường ngoài công lập

Sau hai phiên hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục tại Đại học Thái Nguyên và Đại học Quốc gia Hà Nội vào đầu tháng 12, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, hiệu trưởng, nhà giáo cốt cán đến từ các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh phía Bắc đưa ra các bàn thảo về đề xuất miễn học phí cho học sinh tới cấp Trung học cơ sở hệ công lập.

Theo tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, vấn đề miễn học phí đến cấp Trung học cơ sở (THCS) là một trong những vấn đề vẫn còn gây nhiều ý kiến khác nhau. Trải qua 2 phiên hội thảo, có thể thấy đây là một trong những đề xuất có nhiều ý kiến đóng góp nhất.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị “Đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục”.

Ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết: Hiện nay nước ta mới thực hiện miễn học phí đối với toàn bộ học sinh cấp tiểu học. Học sinh cấp mầm non và THCS vẫn phải đóng học phí trong khi Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục đến cấp THCS. Như vậy, chính sách học phí hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, gia đình học sinh ở vùng nông thôn, vùng núi có thu nhập tương đối thấp. Mặc dù mức học phí không cao nhưng vẫn là khó khăn đối với nhiều gia đình.

Nhiều cử tri cả nước cũng thông qua các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn được miễn học phí cho học sinh THCS... Do đó, Bộ GD-ĐT đã đưa ra đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS và xin ý kiến Chính phủ .

Về mặt căn cứ chuẩn bị cho đề xuất miễn học phí cấp THCS, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu tại 18 nước, đại diện cho 4 châu lục. Kết quả nghiên cứu cho thấy 33% các nước miễn học phí mầm non, 61% các nước miễn học phí cấp THCS và 44% các nước miễn học phí hoàn toàn cấp Trung học phổ thông (THPT).

Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ những lo ngại, từ thời bao cấp tới nay, học sinh bậc tiểu học được miễn học phí. Nhưng điều này chỉ áp dụng đối với học sinh trường công lập, còn học sinh tiểu học học trường ngoài công lập thì vẫn phải đóng học phí bình thường.

Đứng ở góc độ học sinh, điều này bất hợp lý, không công bằng giữa các học sinh trong lứa tuổi tiểu học. Trong khi, nhiều học sinh phải học trường ngoài công lập do địa bàn cư trú không có trường công lập, hoặc cần "chia tải" do dân số tăng nhanh, trường công lập không thể gánh hết trách nhiệm. Hiện nay ngành GD-ĐT thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm đạt tỉ lệ 15% học sinh tiểu học, 15% học sinh THCS và 60% học sinh THPT học ngoài công lập.

Thêm một thực tế nữa là việc trường công lập được miễn học phí sẽ khiến học sinh tập trung vào học ở các trường công lập, nếu không điều chỉnh quy định sẽ dẫn đến việ gia tăng  áp lực về sĩ số đối với các trường công lập ở các đô thị lớn.

Từ đó, ông Đại đề nghị học sinh trường công hay trường tư đều nên được áp dụng quy định miễn học phí như nhau. Trong đó, trường chất lượng cao có thể thu thêm tiền.

Cũng lo ngại về tình trạng lạm thu tại các trường công lập, bà Lê Thị Kim Ánh - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết khi có thông tin về việc có thể được miễn học phí, phía học sinh và dư luận rất phấn khởi. Tuy nhiên, cần xem xét đến đặc thù của các vùng miền, ngân sách cấp không đủ kinh phí thì nhà trường không hoạt động được và sẽ phát sinh lạm thu.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cũng đề xuất thêm miễn giảm học phí cho học sinh học ngoài công lập. Bởi nếu học phí chỉ miễn cho trường công lập, các học sinh không đỗ vào trường công lập phải học tư thục sẽ đóng hoàn toàn chi phí sẽ rất lớn (khoảng 1,5 triệu đồng/em).

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên lại cho rằng, cần tính toán phần hụt ngân sách của các trường khi miễn hoàn toàn học phí cho học sinh đến cấp THCS: Việc miễn học phí thì để thuận lợi cho các nhà trường thì chúng ta phải có quy định làm sao cho đỡ khó cho nhà trường.

Miễn học phí thì phần thu học phí bị giảm bởi hiện nay tỷ lệ là 40-60, nhà trường được 60% các khoản thu từ học phí do đó miễn học phí là nhà trường giảm thu. Theo cơ chế phân bổ các nhà trường là cứ 18-82 (18 chi cho hoạt động GD, 82% chi thường xuyên). Đây là câu chuyện cần tính trước, đưa vào văn bản để các nhà trường không thiếu hụt nguồn ngân sách nếu không muốn giúp nhà trường, muốn giúp giáo dục nhưng lại gây khó khăn cho hoạt động của các trường.

Trả lời cho những lo ngại kể trên, ông Ngô Văn Thịnh cho rằng: "Khi đưa ra đề xuất miễn học phí bậc THCS, Bộ đã cân nhắc tới vấn đề phụ huynh có thể phải đóng các khoản khác tăng lên hoặc có thể xảy ra tình trạng lạm thu. Từ đó, Bộ sẽ có những giải pháp nhằm kiểm soát vấn đề trên".

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Tuy nhiên ông cũng lý giải, các em học tư thục là hoàn toàn tự nguyện nên nhà nước không miễn học phí ở loại hình đào tạo này.

Lê Sơn/Báo Tin tức