06:15 01/06/2020

Đề xuất chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Huy động thêm nguồn lực

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung Nghị quyết gồm 6 cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Cụ thể, nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ; cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng; được sử dụng nguồn dư trong cải cách tiền lương để chi cho các dự án đầu tư phát triển, chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư vào các công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công; cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố để hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương; việc giao cho Hội đồng nhân dân quyết định về cơ cấu ngân sách sử dụng cho giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, UBND Thành phố đề xuất bổ sung 3 nội dung, gồm: HĐND thành phố Hà Nội quyết định một số khoản thu phí (ban hành danh mục, tăng mức); ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; ngân sách thành phố được hưởng toàn bộ số thu từ việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Cụ thể, thành phố Hà Nội được thực hiện thí điểm thu các loại phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; tăng mức hoặc tăng tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần so với mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương được hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Các khoản thu tăng thêm ngân sách thì thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho thành phố sẽ tạo động lực cho Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn; giúp thành phố có điều kiện sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có và huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông, ngập úng. Về cơ bản, việc này không ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn; cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công, cũng như không ảnh hưởng đến phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ và các địa phương...

Không nên quy định mức trần

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, Ủy ban cơ bản đồng tình với các nội dung Chính phủ trình.

Về nội dung mới liên quan đến thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình; cho rằng quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Ủng hộ đề xuất thí điểm thu phí, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị không quy định mức trần 1,5 lần. Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh được tạo cơ chế để có thể quyết gấp 6 lần, do đó nếu áp dụng mức trần này thì Hà Nội sẽ bị "trói" hơn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ, mục tiêu chính của vấn đề này không phải là tăng thu, mà để tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, để Hà Nội thực sự là Thủ đô văn minh, hiện đại. Về mức tăng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị không quy định trần cứng là 1,5 lần, song phải đảm bảo nhận được sự đồng tình của nhân dân, xã hội.

Về việc Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn rằng trên thực tế nhiều bộ, ngành sau khi xây trụ sở mới thì không bàn giao trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội. Do đó, ông Thanh cho rằng Chính phủ cần có biện pháp xử lý; nếu không, có được giao cơ chế thì Hà Nội cũng chưa chắc thực hiện được chủ trương lớn của Quốc hội.

Cũng đề cập đến thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nhiều đơn vị nói là nếu được cho đất xây trụ sở mới thì sẽ trả trụ sở cũ, nhưng cuối cùng tình trạng "có trụ sở mới mà không chịu trả trụ sở cũ" vẫn diễn ra không ít. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nếu giao cơ chế cho Hà Nội thì thành phố phải làm nghiêm.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách đối với thành phố Hà Nội là rất cần thiết để tạo cơ chế chủ động trong sử dụng các nguồn lực để phát triển Thủ đô. Đây là yêu cầu đặt ra để tiếp tục thực hiện tốt hơn Luật Thủ đô và cũng là làm thí điểm để từ đó tổng kết, đánh giá ban hành chính sách mới, góp phần tăng quyền phân cấp cho các địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV để Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự rút gọn, thông qua tại một kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh lại hồ sơ theo đúng quy định pháp luật. Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ thẩm tra chính thức để trình ra Quốc hội ngay tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 9 này.

Bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tại phiên họp sáng nay, với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc đã thông qua nội dung dự thảo Nghị quyết quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về các nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, thống nhất bổ sung nguyên tắc ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, đồng bộ với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030, các dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển, an ninh nguồn nước, lĩnh vực thủy lợi. Bên cạnh đó, việc bổ sung nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước phải bảo đảm trật tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết Quốc hội.

Chính phủ tiếp thu, bổ sung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 dự thảo Nghị quyết về cơ sở tính điểm của các tiêu chí. Theo đó, dự thảo mới đã được bổ sung tiêu chí tỷ lệ che phủ rừng (nhằm khuyến khích địa phương trồng, bảo vệ và phát triển rừng), bổ sung tiêu chí vùng bao gồm: các vùng chịu tác động lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu (sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, nước biển dâng…).

Liên quan đến việc xác định vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ đã sửa đổi quy định "vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 được xác định theo kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2020-2022" tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị quyết để phù hợp với thực tiễn thu ngân sách nhà nước năm 2020, 2021 gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Thay vào đó, dự thảo mới quy định "Kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2021 được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước, dự kiến nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có), phù hợp với định hướng mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của năm 2021; kết quả thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương năm 2019, ước thực hiện năm 2020".

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật.

Thẩm tra nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định về việc công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam các bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Theo quy định tại khoản 3, 4 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định thì phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn do Ủy ban quyết định nếu cần thiết, được coi là phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, về chủ thể và cơ chế ra phán quyết có những điểm khác với quy định tại khoản 11, 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại. Do vậy, trong khi chưa sửa đổi các văn bản luật có liên quan thì cần ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Phan Phương (TTXVN)