06:13 27/06/2019

Để xuất các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Sáng 27/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp báo thường kỳ quý II năm 2019 nhằm báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2019 và phương hướng 6 tháng cuối năm của ngành kế hoạch và đầu tư; trong đó, tập trung các giải pháp giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trên cơ sở theo dõi sát và kịp thời phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019; trong đó, có các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.

“Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh…”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng là quản lý vốn đầu tư phát triển năm 2019. Nhằm triển khai kế hoạch đầu tư năm 2019 và công tác quản lý vốn đầu tư phát triển, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án giao chi tiết kế hoạch 2019 cho các bộ, ngành, địa phương và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án.

Đó là, dự án đường sắt và đường bộ quan trọng, cấp bách sử dụng 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020; dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư giai đoạn 2014-2016; dự án sử dụng vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 của các bộ, ngành; giao bổ sung và điều chỉnh kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, Bộ còn điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA giai đoạn 2016-2020 cho các dự án; báo cáo Quốc hội về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 .

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay đầu tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác liên ngành làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Điều này nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; rà soát báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao. Từ đó, góp phần đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn tới theo quy định của pháp luật về đầu tư công, Bộ đã chủ động xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị quy định về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Hiện Bộ đang tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị trong cuối tháng 6 năm 2019.

Ngoài ra, để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trao đổi về thay đổi trong Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014 nhấn mạnh: "Chúng ta cần tập trung giải phóng, đơn giản hóa, gia nhập thị trường; nghĩa là đơn giản hóa thủ tục và đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian, rút ngắn chi phí, sự phức tạp đối với gia nhập thị trường của doanh nghiệp thành lập".

Tại buổi họp báo, nhiều nội dung cũng đã được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi như: Tăng cường quản lý hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài; Luật Quy hoạch sửa đổi, Luật Đầu tư công sửa đổi, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; công tác quản lý đấu thầu và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp…

Thúy Hiền (TTXVN)