08:10 30/08/2017

Để xe chiếm vỉa hè, phạt khách hay chủ quán?

Xe của khách đến quán ăn, nhà hàng bị xử phạt vì lấn chiếm vỉa hè thì chủ quán hay khách hàng phải chịu phạt?

Trả lời:

Việc này chia ra 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Quán đó không có trách nhiệm trông giữ xe của khách hoặc quán đó có biển thông báo khách tự bảo quản xe cộ mà khách hàng để xe lấn chiếm vỉa hè sai quy định thì khách hàng phải chịu trách nhiệm nộp phạt.

Trường hợp này khách hàng bị phạt theo quy định và mức phạt của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ô tô bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng; Đối với xe mô tô, xe gắn máy phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Trường hợp 2: Quán có nhận gửi giữ xe của khách theo hợp đồng gửi giữ (thỏa thuận miệng hoặc bằng phiếu gửi xe). Thì quán phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xe của khách. Bởi lẽ, căn cứ quy định tại khoản 1, 4 Điều 557 Bộ luật dân sự 2015 Quy định về hợp đồng gửi giữ về nghĩa vụ của bên giữ tài sản: “1. Phải bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ”. “4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Trường hợp này khi bị phạt lỗi lấn chiếm vỉa hè vì để xe sai quy định, thì chủ quán đã có vi phạm với mức phạt theo quy định Điều 12 khoản 4, điểm c; khoản 5 điểm g; khoản 6; khoản 7 điểm a, khoản 9 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (nêu trên):

“Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe;”.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

g) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe;

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe;

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: ....Buộc phải di dời các loại vật dụng (ô tô, xe máy) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.

Theo nguyên tắc một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần (điều 3, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012), trường hợp chủ quán bị phạt về chiếm dụng vỉa hè theo Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (nêu trên) thì các ô tô, xe máy sẽ buộc phải di dời và không bị xử phạt nữa.

Trường hợp chỉ lập biên bản xử phạt hành vi để xe sai quy định đối với khách thì khách có quyền yêu cầu chủ quán phải bồi thường cho mình số tiền tương đương với số tiền phải nộp phạt vi phạm (cơ sở pháp lý quy định tại Điều 557 Bộ luật dân sự như đã nêu trên).

Trung Hiếu/Báo Tin Tức