08:10 01/08/2019

Để trẻ em được hưởng quyền cơ bản đầu tiên

Thế giới có thể tiết kiệm gần 1 tỷ USD/ngày nếu thời gian các bà mẹ cho con bú kéo dài hơn do việc này giúp ngăn chặn nguy cơ tử vong sớm và mắc hàng loạt chứng bệnh.

Chú thích ảnh
Các bà mẹ cho con bú trong Ngày hội nuôi con bằng sữa mẹ tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, mỗi năm có hàng triệu trẻ em bỏ lỡ nguồn dinh dưỡng vô giá này ngay từ khi sinh ra vì những lý do có thể thay đổi được. Với thông điệp “Trao cơ hội và tạo mọi điều kiện cho cha mẹ để thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ”, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm nay tiếp tục nêu bật tầm quan trọng việc nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời kêu gọi gia đình và xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bà mẹ duy trì phương pháp nuôi con tự nhiên này.

Các nghiên cứu đã chứng minh nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ có được sự khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc sống bởi sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng quý giá mà còn là “vaccine đa năng” đầu tiên chứa kháng thể tự nhiên, giúp trẻ tránh nguy cơ mắc những bệnh truyền nhiễm như bệnh tiêu chảy và viêm phổi, hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc gia tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở mức độ gần như toàn cầu có thể cứu sống hơn 800.000 trẻ, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nuôi con bằng sữa mẹ đem lại lợi ích to lớn về sức khỏe không những cho trẻ sơ sinh mà còn cả cho các bà mẹ. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ giúp các bà mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, tiểu đường type 2 và bệnh tim. Ước tính việc tăng cường cho con bú có thể ngăn chặn được 20.000 ca tử vong mỗi năm ở các bà mẹ do ung thư vú. 

Với những lợi ích của sữa mẹ, WHO khuyến cáo trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu ngay sau sinh và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Các bà mẹ nên tiếp tục cho con bú đến 2 tuổi hoặc lâu hơn, bên cạnh các thực phẩm bổ sung.

Tuy nhiên, thống kê của WHO chỉ ra rằng chỉ có 40% số trẻ sơ sinh trên thế giới bú sữa mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi và ước tính tới 78 triệu trẻ mới sinh, tức là cứ 5 trẻ sinh ra thì có 3 em không được bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên. Đa số những trẻ không được bú sữa mẹ ngay từ giờ đầu tiên sau khi sinh là ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Trong những tháng tiếp theo, trẻ sơ sinh ở các quốc gia giàu có nhiều khả năng bị bỏ lỡ bú sữa mẹ gấp 5 lần, so với những trẻ nhỏ ở các quốc gia kém phát triển.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở các quốc gia có thu nhập cao, 21% trẻ sơ sinh hoàn toàn không được nuôi bằng sữa mẹ, trong khi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, con số trung bình chỉ là 4%.

Thực tế cho thấy nhiều trẻ không được bú mẹ sớm do trẻ bú kém, cơ địa của mẹ không có hoặc ít sữa, mẹ đẻ mổ, các bà mẹ không được hỗ trợ đầy đủ để cho con bú ngay sau khi sinh, không được các nhân viên y tế hướng dẫn, hỗ trợ tại các cơ sở y tế. Trong cuộc sống hiện đại, văn hóa nuôi con bằng sữa mẹ dần biến mất vì lý do thẩm mỹ, nhận thức sai lầm của các bà mẹ, các sản phẩm sữa bột được tiếp thị rầm rộ là thực phẩm thay thế sữa mẹ, áp lực tài chính buộc nhiều mẹ phải trở lại làm việc sớm, đặc thù công việc không thể cho con bú thường xuyên, cơ sở vật chất thiếu thốn và thời gian nghỉ ít ỏi tại nơi làm việc, hành vi quấy rối hoặc kỳ thị những phụ nữ cho con bú tại nơi công cộng.

Năm nay, Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ, được tổ chức từ ngày 1-7/8 hằng năm tại khoảng 120 quốc gia, nhấn mạnh chủ đề “Trao cơ hội và tạo mọi điều kiện cho cha mẹ để thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ”, nhằm thúc đẩy những chính sách hỗ trợ các gia đình, tạo điều kiện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, giúp cha mẹ nuôi dưỡng trẻ và gắn kết với trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đơn thuần là việc của phụ nữ mà đòi hỏi phải có sự khuyến khích và hỗ trợ, tạo điều kiện từ các thành viên gia đình, nhân viên chăm sóc y tế cho đến những nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động, cán bộ tư vấn... Cụ thể, WHO và UNICEF khuyến khích các chính phủ ban hành luật lao động cho phép các bà mẹ nghỉ thai sản có hưởng lương trong ít nhất 18 tuần, và nam giới được nghỉ có lương khi vợ sinh con để tăng cường chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái trên cơ sở bình đẳng. Các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế hướng dẫn cho các bà mẹ phương pháp nuôi con tốt nhất, cùng với sự hỗ trợ của gia đình và xã hội nhằm tạo bầu không khí thoải mái, tích cực động viên và giúp đỡ các bà mẹ có con nhỏ. Các nhà tuyển dụng cũng cần đảm bảo môi trường làm việc giúp duy trì khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của nữ nhân viên khi trở lại làm việc sau sinh, như cho phép thời gian nghỉ để cho con bú; không gian riêng tư, an toàn và đảm bảo vệ sinh để vắt và lưu trữ sữa.

Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã nhận thức rõ tầm quan trọng của phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ và triển khai những biện pháp hỗ trợ tích cực. Nhiều nước đã và đang thúc đẩy việc “luật hóa” quyền trẻ em được bú sữa mẹ, coi đây là đặc quyền không thể bị tước đoạt của trẻ em. Thụy Điển, đất nước có tỷ lệ trẻ được bú mẹ đạt 98%, được ví là “thiên đường” của những người sắp làm cha mẹ vì chế độ thai sản tuyệt vời. Chính phủ nước này cho phép các cặp vợ chồng nghỉ tổng cộng 480 ngày (áp dụng cho mỗi trẻ) mà vẫn được hưởng 80% thu nhập và việc nghỉ phép của cha mẹ chỉ hết hiệu lực khi đứa trẻ tròn 8 tuổi.

Tại Trung Quốc, tháng 5 vừa qua, chính phủ đã công bố văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo cho các bà mẹ được nghỉ thai sản để nuôi con bằng sữa mẹ và khuyến khích các chủ lao động cho nữ nhân viên có con nhỏ được làm việc theo giờ giấc linh hoạt. Chính quyền nhiều tỉnh ở Trung Quốc cũng công bố kế hoạch xây dựng những phòng “chăm sóc trẻ” tại nơi công cộng hoặc các công ty để hỗ trợ các bà mẹ “bỉm sữa”.

Tại Ấn Độ, đất nước vẫn tồn tại quan điểm bảo thủ, kỳ thị những bà mẹ cho con bú nơi công cộng, chính quyền thành phố Agra đang xúc tiến xây dựng một căn phòng riêng tại đền Taj Mahal giúp hàng triệu bà mẹ có con nhỏ đến thăm một trong những kỳ quan của thế giới mà không phải ngần ngại cho con bú ở nơi đông người. Dự kiến, một căn phòng tương tự sẽ được mở tại những địa điểm lịch sử khác trong thành phố Agra. Tại Kenya, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên đã được mở tại Nairobi tháng 4 vừa qua với mục đích tăng tính hiệu quả của phong trào nuôi con bằng sữa mẹ.

Theo chuyên gia kinh tế - y tế ở Canada Dylan Walter, nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những quyền con người, có thể cứu nhiều sinh mạng cũng như cải thiện sự thịnh vượng của các nền kinh tế. UNICEF khẳng định trẻ em có quyền được bú sữa mẹ, đây là “đặc quyền” cơ bản và hợp pháp của trẻ và việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi quốc gia. Sự kiện năm nay có ý nghĩa quan trọng kêu gọi các ông bố cũng như người thân trong gia đình, cơ sở y tế, nơi làm việc và cộng đồng xung quanh hỗ trợ các bà mẹ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ. Khi được trao cơ hội và tạo điều kiện tích cực, các bậc cha mẹ có thể tự tin duy trì tập quán tốt đẹp này, đem đến sự khởi đầu tốt đẹp cho thế hệ tương lai.

Nguyễn Hằng (TTXVN)