08:11 09/08/2020

Đề thi ngữ Văn mang tính thời sự và gần gũi với thí sinh

Kết thúc 120 phút làm bài thi môn ngữ Văn, nhiều thí sinh ở TP Hồ Chí Minh tỏ ra rất phấn khởi bởi những câu hỏi trong đề thi ở cả phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), thí sinh Trần Hoàng Dung hào hứng cho biết đề thi ngữ Văn năm nay khá hay. Đặc biệt là phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh nêu suy nghĩ của mình về “Sống hết mình với hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai”.

Chú thích ảnh
Các thí sinh đều khá thích thú với câu hỏi nghị luận xã hội khi bàn về trân trọng sự sống hôm nay.

“Em thấy vấn đề này được đặt ra khá phù hợp với tình hình thực tế ở giới trẻ khi có nhiều người không sống hết mình với bản thân và tình trạng tự tử trong giới trẻ thời gian gần đây cũng nhiều. Đối với em, mình phải sống và làm việc hết mình vì hôm nay trước, chứ đừng lo lắng về những khó khăn của ngày hôm sau như vậy sẽ làm bản thân nhụt chí và không thể thành công được”, Hoàng Dung chia sẻ.

Còn thí sinh Trần Bích Du cũng tỏ ra khá thích thú với đề thi môn Văn năm nay. Theo Bích Du, đề thi tương đối vừa sức với đa số thí sinh và không có câu hỏi khó nhưng vẫn phân hóa được thí sinh. Đa số câu hỏi đều nằm trong chương trình ôn tập.

Chú thích ảnh
Đề thi môn ngữ Văn được đánh giá mang tính thời sự, gần gũi với thí sinh và sát với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Đối với em, câu hỏi nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều rất hay. Ở câu nghị luận văn học nói về tư tưởng Đất nước của nhân dân phù hợp với tình hình thời sự hiện tại. Còn câu nghị luận xã hội thì mang ý nghĩa dạy cho giới trẻ biết trân trọng cuộc sống hiện tại”, Bích Du cho biết.

Chú thích ảnh
Thí sinh được đội tiếp sức mùa thi tặng nước uống sau khi ra khỏi phòng thi.

Nhận định về đề thi môn ngữ Văn, thầy Phan Thế Hoài, Tổ trưởng tổ ngữ Văn Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) cho rằng về hình thức cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2020 ra sát với đề minh hoạ lần 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đó.

Theo thầy Phan Thế Hoài, về nội dung, phần "Đọc hiểu" thiếu vắng tính thời sự như dự đoán của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, ngữ liệu cho là một đoạn trích: “Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường, Inamori Kazuo” có nội dung hay, gần gũi, mang tính giáo dục cao khi đề cập đến việc sống hết mình, phải biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày để không thua kém cây cỏ, muông thú.

Từ ngữ liệu đọc hiểu, học sinh trả lời 4 câu hỏi theo các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp. Những câu hỏi này học sinh có thể dễ dàng trả lời vì các em đã được giáo viên cho luyện tập nhiều ở trên lớp. Học sinh không khó để đạt từ 2,25/3 điểm của phần này.

Ở phần làm văn, với câu nghị luận xã hội khi yêu cầu học sinh bàn luận “trân trọng cuộc sống mỗi ngày” rất hay, câu này nhằm nêu bật giá trị của sự sống.

Về câu yêu cầu phân tích tư tưởng Đất nước của nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong một đoạn trích, câu hỏi này có phần bất ngờ với giáo viên, học sinh vì đoạn trích đã từng được ra đề thi tốt nghiệp những năm trước đó. Qua đoạn thơ, học sinh phải phân tích để thấy rằng, tư tưởng Đất nước là của nhân dân, là một quan niệm mới mẻ, tích cực, có tác dụng cổ vũ trách nhiệm của tuổi trẻ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây cũng là câu hỏi có tính phân hoá cao nhất nhằm tuyển sinh những thí sinh vào các ngành có môn ngữ Văn của trường đại học chuyên ngành.

Theo thầy Phan Thế Hoài, dự đoán phổ điểm môn ngữ Văn năm nay dao động từ 5,5 đến 6 điểm.

Cô Nguyễn Thị Thu Phượng, giáo viên môn ngữ Văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) nhận định: "Tất cả câu hỏi của đề thi đều rõ ràng, mạch lạc, không lắt léo mang tính đánh đố thí sinh nhưng vẫn mang tính gợi mở và phân hóa học sinh. Đề thi vừa có thể kiểm tra kiến thức và kỹ năng cơ bản của học sinh, vừa tạo điều kiện cho thí sinh thể hiện khả năng đọc hiểu văn bản cũng như khả năng cảm thụ vấn đề sâu sắc, vốn ngôn ngữ phong phú; đồng thời bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về giá trị cuộc sống. Tổng thể đề thi được sắp đặt logic, chặt chẽ, dẫn dắt từ thiên nhiên đến giá trị sống của mỗi cá nhân và cuối cùng liên hệ đến giá trị của đất nước".

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức