06:13 07/06/2018

Đề thi môn Ngữ văn vừa sức học sinh, gần gũi cuộc sống

Sáng 7/6, hơn 94.000 học sinh ở Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019.

Các thí sinh trao đổi sau khi kết thúc môn đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại hội đồng thi trường THPT Việt Đức. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Các em đánh giá đề thi không quá khó, hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa.

Em Trần Minh Lâm, học sinh trường Trung học cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình) cho biết, đề thi Ngữ văn tương đối dễ với những học sinh học lực giỏi. Theo em, chỉ có câu 3 phần 1 nằm trong phần kiến thức lớp 8 khiến em cảm thấy hơi bối rối. Học sinh nào không chú ý ôn lại kiến thức lớp 8 sẽ dễ bị mất điểm ở câu này. Em Lâm cho rằng học sinh dễ kiếm điểm ở phần 1 của đề thi, còn phần 2 thì hơi khó.

Cùng chung nhận định, em Nguyễn Thanh Lương, học sinh Trường Trung học cơ sở Phú Thượng (quận Tây Hồ)  đánh giá đề thi vừa sức với em. “Câu 1 của phần 2 hơi khó do phần kiến thức nằm trong phần chú thích của sách giáo khoa. Nếu học sinh bỏ qua phần chú thích thì sẽ không trả lời được câu hỏi này”, em Nguyễn Thanh Lương cho biết.

Còn em Đoàn Khánh Linh, học sinh trường Tiểu học - Trung học cơ sở Wellspring thì cho rằng, đề thi Ngữ văn đối với em hơi khó. Em cảm thấy khó khăn ở phần 1 của đề thi. Em chỉ làm được khoảng 50% và dự đoán chỉ được khoảng 5 - 6 điểm.

Đánh giá về đề thi Ngữ văn năm nay, cô Lê Lan Dung, Tổ phó Tổ Văn - Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, đề vừa sức với học sinh, bám sát tình hình thời sự với bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" làm ngữ liệu. Ở phần 1, đề có câu hỏi quen thuộc với học sinh (câu 1), tác dụng của biện pháp tu từ, có câu hỏi tích hợp kiến thức lớp dưới; câu 2 đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức trường từ vựng ở lớp 8. Yêu cầu của câu 4 về viết đoạn văn cũng hoàn toàn quen thuộc với học sinh.

Ở phần 2, lấy ngữ liệu "Chuyện người con gái Nam Xương" cũng nằm trong chương trình sách giáo khoa. Các câu hỏi 1, 2 trong phần 2 không quá khó, chỉ cần học sinh nắm được nội dung văn bản là làm được. Ở câu 3, thể loại nghị luận xã hội viết về 1 vấn đề rất gần gũi trong đời sống, nên học sinh hoàn toàn có thể làm tốt. Theo cô Lê Lan Dung, với đề thi này, học sinh học lực khá có thể dành điểm 7 - 8, học sinh học lực trung bình có thể dành điểm 5 - 6 và ít có điểm dưới trung bình.

Nguyễn Cúc (TTXVN)