06:21 03/06/2014

Đề thi Địa lý khơi gợi tinh thần yêu nước và ý thức về chủ quyền

Các thí sinh trên cả nước đã kết thúc ngày thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với môn Địa lý.

Các thí sinh trên cả nước đã kết thúc ngày thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với môn Địa lý. Theo đánh giá của các giáo viên có chuyên môn cũng như các thí sinh dự thi, đề thi Địa lí năm nay khá trọng tâm và bám sát chương trình học, đặc biệt tiếp tục khơi gợi tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc thông qua câu hỏi gắn với chủ đề biển đảo. 

 

Đề thi gắn với chủ đề biển đảo

 

Nhận định đề thi Địa lí năm nay, thầy Trần Văn Tú, chuyên viên môn Địa lí, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cho rằng: “Đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Địa lý năm 2014 dễ hơn so với năm 2013, đảm bảo bám sát theo chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn, không đòi hỏi học sinh phải học thuộc bài nhiều, chỉ cần xác định đúng yêu cầu của đề thi và vận dụng tốt các kỹ năng địa lý kết hợp với sử dụng Atlat Địa lý là có thể làm bài đạt điểm cao”. Theo thầy Tú, đề thi năm nay có nhiều điểm mới, đề cập đến vấn đề biển đảo, mang tính thời sự nóng bỏng của nước ta hiện nay. Đây là nội dung rất hay và cần thiết, đáp ứng được sự kỳ vọng của tất cả giáo viên, học sinh cũng như người dân cả nước. Qua đó, khơi gợi được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, học sinh cần phải có khả năng tư duy, phân tích tốt, lập luận sắc sảo và có căn cứ đúng đắn thì mới đạt điểm tối đa.

 

Các thí sinh trao đổi bài sau thi tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Cô Phạm Tuyết Hồng (Tổ trưởng bộ môn Sử - Địa, trường THPT chuyên Thăng Long, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng), nhận xét: Đề thi năm nay có thay đổi cấu trúc so với mọi năm, thiên về kiến thức Biển Đông và mang tính thời sự nhiều hơn. Tuy nhiên, tất cả những kiến thức này đã được giáo viên lồng ghép, tích hợp trong quá trình giảng dạy và ôn tập nên học sinh sẽ làm bài được. Nhìn chung với đề thi này, đa số thí sinh sẽ làm được bài tốt, kể cả học sinh có học lực trung bình cũng có thể đạt được điểm 6 - 7. Theo cô Hồng, câu hỏi vẽ biểu đồ là phần phân loại học sinh, nếu em nào nắm chắc kỹ năng phân tích thì sẽ hoàn thành câu hỏi này dễ dàng, còn ngược lại các em sẽ gặp lúng túng trước lựa chọn sẽ dùng dạng biểu đồ nào. Cô Hồng đánh giá thêm: Đặc biệt, câu hỏi số một của câu II là rất hay. Đây là dạng câu hỏi mở và đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc của các em.

 

Em Đàm Thị Thiên Nhi, thí sinh dự thi tại trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) chia sẻ: “Những ngày qua, sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta đang được các bạn rất quan tâm, nhiều bạn dự đoán trong đề thi sẽ có câu hỏi liên quan đến biển đảo nên phần lớn các bạn ôn tập đúng trọng tâm và làm bài khá tốt”. 

 

Thí sinh tự tin về kết quả bài thi

 

Em Hoàng Thị Minh Tâm, thí sinh dự thi tại trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) cho biết: “Em cảm thấy rất tự tin vì đề năm nay tương đối dễ, phù hợp với học sinh và có thể lấy được điểm khá cao. Em hoàn thành bài thi trong 2/3 thời gian, dự đoán được khoảng 9 – 10 điểm”.

 

Kết thúc giờ làm bài, nhiều thí sinh tại hội đồng thi trường THPT Bùi Thị Xuân (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) ra về với nét mặt rất phấn khởi. Thí sinh Lê Phan Nhã Uyên (SBD 010510) tự tin cho biết, đề thi Địa lý năm nay khá dễ và em đã hoàn thành bài thi khi còn dư khá nhiều thời gian. Hầu hết các kiến thức đều sát với chương trình ôn tập và nếu vận dụng thêm kỹ năng sử dụng Atlat thì rất dễ đạt được điểm cao

 

Tại Hưng Yên, sau giờ thi môn Địa lý, hầu hết thí sinh đều tỏ ra rất thích thú và hào hứng với đề thi môn Địa lý. Theo giám thị Vũ Thị Thanh, giáo viên dạy Địa lý, trường THPT Chuyên Hưng Yên, coi thi tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Du, đây là một trong những hội đồng có đông thí sinh thi môn Địa lý nhất tỉnh, với khoảng hơn 200 em ở 10 phòng thi. Trong giờ thi, các em làm bài rất say sưa và tự tin, khi nộp bài các em đều rất phấn khởi và đánh giá đề thi hay và dễ gỡ điểm.

 

Về nội dung đề thi cô Thanh nhận định: Đề Địa lý năm nay dễ hơn so với năm trước. Câu hỏi rõ ràng, sát với chương trình đã học và gắn với thực tiễn, dễ hiểu, không đánh đố nên học sinh sẽ không bị lạc đề. Đáng chú ý là vấn đề biển đảo đã gây nhiều hào hứng với các em, gợi mở sự hiểu biết sâu sắc và sáng tạo khi vận dụng những vấn đề thực tế vào bài thi. Vì trước giờ vào thi, các em đều dự đoán và mong mỏi đề thi sẽ đề cập đến vấn đề nóng bỏng về biển Đông. Với mức độ đề thi như năm nay, các em dễ dàng đạt trên 6 điểm.

 

Cô Phạm Thị Hồng, giáo viên trường Trung học phổ thông Nghĩa Dân coi thi tại hội đồng trường THPT Khoái Châu (Hưng Yên) nhận xét: Đề thi năm nay không những vừa sức mà còn khá hay và hấp dẫn học sinh, bởi kiến thức thi cử gắn với thực tiễn. Tâm lý học sinh phần lớn đều quan tâm đến tình hình thời sự về biển đảo nên các em rất hào hứng làm bài. Nội dung đề thi giúp cho học sinh nhận thức rõ trách nhiệm của mình với biển đảo quê hương và chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

 

Em Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Thị Hường, thí sinh trường THPT Khoái Châu hồ hởi cho biết, đề thi Địa năm nay rất hay và thú vị, giúp các em có cơ hội được vận dụng kiến thức thực tế vào bài thi, không ôm đồm theo sách vở. Đáng chú ý nhất là câu 2 ý 1 đã giúp các em hiểu thêm về lòng yêu nước, có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý báu của đất nước tại vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Chúng em sẽ tích cực tuyên truyền kêu gọi mọi người hãy khai thác tài nguyên vùng biển một cách hợp lý. Qua bài thi, em Hường cho rằng, đề thi đổi mới theo hướng áp dụng nhiều kiến thức thực tế như năm nay là rất bổ ích, có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về chủ quyền đất nước, tinh thần yêu nước, lên án các hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

 

Nhóm phóng viên TTXVN