11:00 04/11/2021

Để quà tặng mang thông điệp quảng bá cho du lịch Hà Nội

Nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch, văn hóa Hà Nội, mang lại giá trị kinh tế, Sở Du lịch Hà Nội, làng nghề, điểm đến, di tích, doanh nghiệp lữ hành đang hướng đến xây dựng thương hiệu quà tặng cho du lịch Thủ đô.

Tiềm năng vẫn chưa được khai thác

Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Việt (Hà Nội) cho biết: Công ty chuyên đón dòng khách Pháp. Khi đón khách, đơn vị có quà tặng như bút, bình đựng nước bằng tre có hình tượng đặc sắc của Việt Nam. Với Hà Nội thường là biểu tượng Khuê Văn Các (di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Chú thích ảnh
Mẫu kệ điện thoại làm bằng tre ép, tháo lắp được để mang đi linh hoạt và thể hiện thông điệp tôn vinh văn hóa đọc.

“Khi đi thăm quan làng nghề tại Bát Tràng, du khách cũng thường mua một số đồ gốm sứ là đĩa, ấm chén có sự tinh xảo để vừa dùng, vừa trang trí. Còn lại khách rất ít mua nếu không biết nguồn gốc, xuất xứ. Do đó, sản phẩm bằng tre thì khó lẫn với sản phẩm bằng quà tặng với các nước khác, bởi khách quốc tế họ đi nhiều sẽ có sự so sánh”, ông Dương Xuân Tráng chia sẻ.

Nhu cầu về quà tặng, đồ lưu niệm với du khách khi đến Hà Nội rất lớn nhưng thực sự để du khách tìm mua chưa nhiều. Phần nhiều do, các doanh nghiệp du lịch gửi tặng và phục vụ cho quảng bá xúc tiến du lịch của cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và là trung tâm phân phối khách cả miền Bắc nên được đánh giá có nhiều tiềm năng về phát triển sản phẩm quà tặng. Trong số đó có rất nhiều sản phẩm gắn với tên tuổi của các làng nghề truyền thống, như: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín); nón Chuông (huyện Thanh Oai); chuồn chuồn tre Thạch Xá, quạt Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)…

Theo Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội), hiện có khoảng 35 làng nghề trực thuộc chi hội, có thể làm ra hàng trăm sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Nhiều làng nghề nhận được không ít đơn đặt hàng của các nước châu Âu và một số nước châu Á, như: Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, những sản phẩm quà tặng truyền thống dành cho khách du lịch lại chưa có sự hấp dẫn, thậm chí chưa đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm công nghiệp đang bày bán tràn lan.

Ông Nguyễn Văn Sử, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa thông tin, nhiều năm nay, các làng nghề bước đầu đã có sự liên kết với những điểm đến, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long… hoặc thông qua các công ty du lịch giới thiệu và bán sản phẩm của các làng nghề cho khách du lịch.

“Tuy nhiên, quà tặng và quà lưu niệm giới thiệu chủ yếu bày bán tại điểm di tích hoặc trên phố cổ chủ yếu là sản phẩm được thiết kế theo đặc trưng riêng của điểm đến hoặc chưa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của từng thị trường khách nên chưa bán được nhiều. Đồng thời chưa truyền tải được những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của làng nghề”, ông Nguyễn Văn Sử chia sẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: Cách đây hơn 10 năm, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, vấn đề quà tặng lưu niệm cho phát triển du lịch cũng được đặt ra. Khi đó, Tổng cục Du lịch cũng đã tư vấn cho Hà Nội về định hướng phát triển quà tặng du lịch và phát triển du lịch làng. Dù đã có một số cuộc thi thiết kế về mẫu quà tặng du lịch do Hà Nội phát động nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Tăng hấp dẫn cho sản phẩm

Nhận thấy sản phẩm quà tặng là một trong những yếu tố có thể tăng khả năng chi tiêu, giới thiệu văn hóa truyền thống của điểm đến, nhiều đơn vị đã có hướng đầu tư cho sản phẩm quà tặng, lưu niệm.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Năm 2019, đơn vị đã có gian trưng bày sản phẩm quà lưu niệm mang tính đặc trưng riêng của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và tham tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà lưu niệm của Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong khuôn khổ cuộc thi Designed by Vietnam có chủ đề “Đánh thức truyền thống” thuộc Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VNDW 2021 . Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám xuất sắc nhất và sẽ được giới thiệu vào cuối tháng 11/2021. Đây là những vật phẩm dành cho sĩ tử, thể hiện tinh thần hiếu học của người Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Một mẫu quà tặng mang dấu ấn di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Còn ông Trương Quốc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH quà tặng Quốc Ngọc cho biết: Hà Nội là địa phương có tiềm năng về phát triển quà tặng lưu niệm. Đơn vị đã làm thiết kế nhiều mẫu quà tặng, quà lưu niệm cho các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội theo “đề bài” mà các đơn vị đó đặt ra. Từ kinh nghiệm những lần làm quà tặng cho khách du lịch, các sản phẩm đặt nhiều yếu tố như nhỏ gọn, tinh xảo, chất lượng tốt và đạt tối đa về công năng. Những sản phẩm ấn tượng sẽ mang thông điệp văn hóa giúp quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Về sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của Hà Nội hiện vẫn chưa được nhiều du khách biết tới, theo ông Trương Quốc Toàn, trước tiên là vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được coi trọng. Nhiều mẫu sản phẩm quà tặng dễ bị làm nhái nên không giữ được bản quyền và chưa tạo kích thích sáng tạo. Bên cạnh đó, sự liên kết với các nhà sáng tạo mẫu thiết kế chưa được chú trọng. “Bởi thực tế, để làm ra sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, trước hết phải hiểu về nhu cầu thị trường khách. Đơn cử như thị trường khách Nhật thích dùng hàng bằng giấy nhiều hơn. Bên cạnh đó, sau khi thiết kế, nhà sáng tạo còn phải thử nghiệm nhiều lần để đạt tính công năng cao nhất”, ông Trương Quốc Toản chia sẻ.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng, ông Nguyễn Văn Sử cho biết: Trên thực tế thì người thợ các làng nghề có kỹ năng, hiểu rõ về nguyên vật liệu nhưng để có mẫu mà thì cần các chuyên gia thiết kế để kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để giới thiệu văn hóa Hà Nội. Nghệ nhân giới hạn về ý tưởng nên cần có chuyên gia và đơn vị hiểu về thị trường khách để có thể ra mẫu thiết kế phù hợp. Nếu không thì sẽ phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới có được sản phẩm mẫu mã phù hợp với thị trường khách.

Ông Nguyễn Văn Sử cho biết: Chi hội đã làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm, Hội Lữ hành Hà Nội và một số điểm di tích về việc lên ý tưởng hình thành một khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề Hà Nội, nhằm quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các làng nghề, điểm đến và doanh nghiệp lữ hành trong việc tạo ra những mẫu thiết kế sản phẩm quà tặng độc đáo, phù hợp với đặc trưng điểm đến và tâm lý du khách.

Hiện, Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch tham mưu với UBND thành phố tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2021 khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Mẫu quà tặng, quà lưu niệm có ý nghĩa lớn trong việc gắn với hoạt động của các làng nghề, tăng giá trị kinh tế và góp phần xúc tiến quảng bá du lịch.

Xuân Minh/Báo Tin tức