04:08 02/04/2023

Để nông sản Hòa Bình vươn tầm thị trường quốc tế

Ngành nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm nông sản chủ lực đặc trưng đạt các tiêu chí chất lượng của các địa phương trong tỉnh, từng bước đưa nông sản địa phương vươn tầm xuất khẩu ra thị trường quốc tế như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức...

Chú thích ảnh
Thu hoạch cam Cao Phong. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Một số sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được xuất khẩu thành công sang châu Âu đem lại lợi nhuận cao như: mía tươi Tân Lạc, măng tươi Kim Bôi, cam Cao Phong, nhãn Sơn Thủy, chè sông Bôi... là những sản phẩm đã và đang mở ra tiềm năng, lợi thế lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp xứ Mường (Hòa Bình).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho biết, việc xuất khẩu thành công các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Hòa Bình sang các thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ… Điều này không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản chất lượng cao hiệu quả, mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới, tạo niềm tin về tiềm năng lợi thế. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản tỉnh Hòa Bình đối với thị trường trong nước; từng bước đặt mục tiêu xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, tăng thu nhập cho người dân.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, đến nay đã có 9 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 21 mã số vùng trồng cho tổng diện tích canh tác 168,7 ha. Hiện đã có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức... (tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021).

Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cũng không ngừng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, xây dựng kế hoạch, chủ động kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, diễn đàn, hội chợ như: Chương trình xúc tiến thương mại tại Cộng hòa Pháp và Hà Lan; Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU; Hội chợ quốc tế Việt - Trung tại tỉnh Lạng Sơn nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài...

Dưới sự chỉ đạo định hướng của tỉnh Hòa Bình, sự nỗ lực hỗ trợ sản xuất của các sở ngành liên quan; sự chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, một số sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu. Từ chỗ thụ động, tỉnh Hòa Bình đã chủ động hoàn toàn trong việc giới thiệu, kết nối sản phẩm.

Năm 2022 các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, nông sản tươi (mía, chuối, nhãn, bưởi...) được xuất khẩu với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 518,65 tỷ đồng, tăng 103,92%.

Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ, có 123 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 - 4 sao, hình thành trên 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.

Là một đơn vị sản xuất có nhiều chuyến hàng xuất khẩu trong vài năm trở lại đây, Công ty cổ phần Kim Bôi chuyên sản xuất chế biến các sản phẩm măng tươi đã đầu tư công nghệ, kỹ thuật trong việc chế biến các sản phẩm từ măng, miến nhằm đáp ứng nhu cầu cao tại thị trường trong nước và nước ngoài. Công ty đã có 27 mã sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường, trong đó 8 mã mặt hàng được xuất khẩu doanh thu mỗi năm đạt hơn 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 100 lao động tại địa phương.

Ông Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần Kim Bôi cho biết, tỉnh Hoà Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ măng để hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng hóa phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm từ trồng, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu trữ và vận chuyển… Cùng với đó là kinh nghiệm trong tìm kiếm thị trường và chất lượng sản phẩm phải hướng đến chinh phục thị trường quốc tế.

Những kết quả tích cực trong những năm qua khi các sản phẩm như: măng tươi qua chế biến sang thị trường châu Âu; mía Tân Lạc qua thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật bản; bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn yên Thủy, Cam Cao Phong, nhãn Sơn Thủy sang thị trường Anh Quốc… đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như: đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị; công nghệ sản xuất; quy trình sản xuất; phương thức quản trị doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực.

Để vào thị trường Anh, sản phẩm cam Cao Phong của Công ty cổ phần RYB (Hòa Bình) đã đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, trong đó có yêu cầu phân tích, xét nghiệm bắt buộc hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình cho biết: sản phẩm cam Cao Phong sau khi đáp ứng đầy đủ các công đoạn kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo các yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm thì trong các mẫu phân tích cam được tiến hành trước khi xuất khẩu cho thấy, tất cả đều không phát hiện hoạt chất nào trong gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu. Những kiện hàng mẫu gửi sang Vương quốc Anh cũng được thông quan không gặp bất cứ vấn đề gì về an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Yến cho biết thêm, ngoài sản phẩm cam Cao Phong thì các sản phẩm nông sản tiêu biểu khác của tỉnh Hòa Bình đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, có vị thế tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, để hướng đến xuất khẩu được các sản phẩm nông sản đặc trưng chất lượng cao của Hòa Bình sang các thị trường "khó tính" như châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc thì đòi hỏi phía các đơn vị sản xuất của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí chất lượng về vi sinh vật, côn trùng, đất, dư lượng nitrat, thuốc bảo vệ thực vật thông qua các thông số niêm yết trên sản phẩm theo quy định của thị trường nhập khẩu.

Chính quyền tỉnh Hòa Bình đã đặt mục tiêu tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản chất lượng cao đảm bảo an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa đặc trưng; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ); đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và cấp chứng chỉ FSC; kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực đạt khoảng 137,8 triệu USD; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực, lợi thế chiếm khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Thị trường xuất khẩu hàng hóa mà tỉnh định hướng là các nước: Mỹ, EU, Anh Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng đó, phối hợp với các ngân hàng, các nhà đầu tư gia tăng các nguồn vốn để đầu tư, phát triển nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số và quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp ngang tầm yêu cầu phát triển.

Lưu Trọng Đạt (TTXVN)