04:10 13/04/2011

Để nông dân học xong về làm chủ

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ đã được triển khai 1 năm. Sau khi tham gia, nhờ được biết thêm kỹ thuật, những nông dân tiên phong đến với khóa học nghề đã từng bước chuyển mô hình sản xuất gia đình sang một bước mới, hiệu quả hơn.

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ đã được triển khai 1 năm. Sau khi tham gia, nhờ được biết thêm kỹ thuật, những nông dân tiên phong đến với khóa học nghề đã từng bước chuyển mô hình sản xuất gia đình sang một bước mới, hiệu quả hơn. Nhân rộng mô hình là hướng tiếp theo trong quá trình thực hiện đề án này.

Trở về từ những lớp học đầu tiên về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nông dân các huyện Vĩnh Bảo, An Dương (Hải Phòng), người thì mạnh dạn đầu tư làm ăn riêng, người đã có sẵn mô hình thì mở rộng được quy mô sản xuất.

Người lao động xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) học nghề trồng nấm linh chi. Ảnh : Hữu Việt - TTXVN

Ở Trung tâm dạy nghề Vĩnh Bảo (Hải Phòng), từ các chuyên gia kỹ thuật cho những lớp dạy nghề đến những bà con nông dân tham gia lớp học nghề luôn tấm tắc khi nói về một cặp vợ chồng say mê trồng nấm. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng. Ông Thắng là lớp trưởng của lớp kỹ thuật trồng nấm được tổ chức ở trung tâm. Học xong, ông đã ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất rất thành công.

Hiện nay, trên diện tích khoảng 120 m2, ông Thắng làm 3 loại nấm thương phẩm: Nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm. Trung tâm dạy nghề Vĩnh Bảo cung cấp giống. Ông Thắng hồ hởi nói: “Mỗi tháng, trừ hết mọi chi phí, bình quân tôi còn để dành được chục triệu đồng”.

Học tập ông, nhiều bà con nông dân cũng tích cực tham gia lớp học và thu kết quả khá. Chị Nguyễn Thị Bích (xã Thắng Thủy) sản xuất nấm mỡ, nấm sò, cứ một tấn nguyên liệu, chị lại thu lãi 6 triệu đồng. Hoặc chị Nguyễn Thị Thúy, là chủ hộ nghèo, sau khi học xong, đã cùng với gia đình anh trai đầu tư 30 triệu đồng cho lán trồng nấm sò và bây giờ bắt đầu có những đồng tiền thu nhập đầu tiên…

Vĩnh Bảo là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất của Hải Phòng hiện nay, với 9.000 - 10.000 ha cấy lúa mỗi năm. Hướng để người nông dân có nghề, sống được, thu nhập khá luôn là mối quan tâm hàng đầu của địa phương này khi tổ chức các lớp học nghề. Theo ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, đối với nhóm học viên học lớp nghề phi nông nghiệp thì có thể kết hợp đào tạo theo hợp đồng với các công ty may mặc, giày da, sản xuất đồ chơi…, là những cơ sở sử dụng nhiều lao động và có đơn đặt hàng rất lớn.

Đối với nhóm đối tượng là học viên của các làng nghề và sẽ chuyển giao cho người lao động những công nghệ mới để họ nâng cao thêm tay nghề, có thể làm nghề ngay tại địa phương. Còn trong nông nghiệp, hướng sang các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa. Hiện nay, thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là cây vụ đông của địa phương tương đối tốt.

Tiềm năng xuất khẩu của nấm là rất tốt nên đây là cơ hội cho người dân tiếp cận việc làm giàu. Tuy nhiên, không phải học viên nào học xong cũng có thể lập một cơ ngơi vì gặp khó khăn về vốn. Chính vì thế, việc liên kết để mở xưởng, cùng nhau làm ăn là một cách để các hộ nông dân san bớt gánh nặng về kinh phí đầu tư trong quá trình khởi nghiệp sau khi học nghề xong. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, địa phương đặt mục tiêu đào tạo 25.000 lao động trong năm 2011.

Để đạt được mục tiêu đó, song song với việc khảo sát nhu cầu học nghề, địa phương vẫn tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn dưới nhiều hình thức và qua đó, vận động người dân đăng ký học nghề. Địa phương đã xác định được 27 nghề cơ bản, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn, phù hợp với nhu cầu của người lao động tham gia.

“Đây là những mô hình có khả năng nhân rộng, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện của người lao động nông thôn và khả năng tổ chức ở địa phương, đồng thời đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội. Người được học nghề có khả năng tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm, năng suất lao động cao hơn so với trước khi học, thu nhập và đời sống của gia đình tốt hơn”, lãnh đạo Sở này cho biết.
 
Mạnh Minh