08:22 11/08/2015

Để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nghề khai thác biển phát triển theo hướng hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nghề khai thác biển phát triển theo hướng hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

So với các tỉnh ven biển khác thì nghề khai thác biển ở Trà Vinh có quy mô không lớn, tàu có công suất đủ khả năng đánh bắt xa bờ chiếm chưa đến 20% tổng số tàu thuyền. Tuy nhiên, đây là nghề truyền thống lâu đời đã tạo việc làm và là nguồn sống của hàng nghìn gia đình. Vì thế, tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm thực thi nhiều chính sách hỗ trợ để giúp ngư dân yên tâm bám biển, khai thác có hiệu quả và ổn định.

Ngư dân tiếp nước sạch tại âu tàu Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Ảnh: Hoàng Dương



Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Trà Vinh đã triển khai các chính sách như: hỗ trợ giá dầu; vốn vay ưu đãi mua mới, đóng mới tàu cá; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho ngư dân; hỗ trợ miễn phí trang bị 500 máy thu trực canh dự báo thời tiết trên biển, với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngư dân còn được ngành nông nghiệp Trà Vinh hỗ trợ chuyển đổi nghề lưới rê truyền thống sang nghề lưới rê hỗn hợp; cải hoán hầm bảo quản hải sản khai thác bằng vật liệu polyurethane để nâng cao giá trị hàng hóa.

Bà Lê Thị Kim Phượng, ở ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, cho biết, từ khi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ chuyển đổi sang lưới rê hỗn hợp để đánh bắt hải sản, sản lượng thu được đến 70% cá có trọng lượng lớn và có giá trị kinh tế cao, như: cá thu, cá bóp, cá rún, cá chét... Thời gian khai thác trung bình chỉ khoảng 4 giờ/ngày so với lưới truyền thống là 10 giờ/ngày, giảm được chi phí nhiên liệu và số nhân công. Ngư trường đánh bắt cũng không bị hạn chế. Còn mô hình cải hoán hầm tàu làm bằng polyurethane vừa nhẹ, bền, kín nên bảo quản hải sản được tươi sạch lâu ngày và giảm tiêu hao nước đá từ 20 - 30% cho mỗi chuyến biển. Nhờ vậy, giúp ngư dân kéo dài thời gian đánh bắt thêm 9 - 15 ngày, tăng thêm sản lượng.

Mặc dù, được hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi, nhưng hiện tại nghề khai thác biển của tỉnh Trà Vinh vẫn gần như không phát triển được số lượng tàu có công suất lớn và phương tiện hiện đại để vươn khơi đánh bắt. Sản lượng khai thác bình quân trong 10 năm qua chỉ đạt hơn 78.000 tấn/năm.

Nguyên nhân là do phần nhiều ngư dân thiếu nguồn vốn, thiếu trình độ tay nghề nên không dám mạnh dạn đầu tư để đóng mới, nâng cấp tàu, chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại.

Theo Ban chỉ đạo Nghị định 67/2014/NĐ - CP của tỉnh, đến nay chỉ có 2 ngư dân đăng ký vay vốn theo chương trình ưu đãi này. Dự toán kinh phí đóng mới mỗi chiếc tàu vỏ gỗ là 6 tỷ đồng và tàu vỏ thép là 8 tỷ đồng. Theo quy định, ngư dân vay vốn đóng mới tàu vỏ gỗ phải có vốn đối ứng là 30%, tàu vỏ thép phải có vốn đối ứng 10%. Việc thực hiện đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/NĐ - CP chỉ giới hạn trong các nhóm nghề: lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp và nghề dịch vụ hậu cần. Trong khi đó, phần lớn tàu cá của ngư dân Trà Vinh chủ yếu làm nghề cào, chỉ có một số ít tàu cá xa bờ làm nghề lưới rê và dịch vụ hậu cần. Không có đủ nguồn vốn, không quen với phương thức và phương tiện đánh bắt hiện đại nên nhiều ngư dân Trà Vinh không mạnh dạn nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp từ Nghị định 67/NĐ - CP.

Hiện tại, UBND tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định 67/2014/NĐ - CP đến các ngư dân, hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính, phối hợp cùng các ngân hàng rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, tạo mọi điều kiện để ngư dân trong tỉnh sớm tiếp cận nguồn vốn vay...

Phúc Sơn