04:00 10/04/2019

Đề nghị xây dựng Lý Sơn thành Khu du lịch Quốc gia

Ngày 9/4, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh vừa có Tờ trình số 27 ngày 28/3/2019 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Lý Sơn trở thành Khu du lịch Quốc gia.

Chú thích ảnh
Lý Sơn là quần thể thắng cảnh tuyệt tác. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Lý Sơn hiện chỉ được quy hoạch phát triển thành điểm du lịch Quốc gia đến năm 2020. Trong khi đó, đối chiếu với quy định của Luật Du lịch 2017, hiện nay quy định về điểm du lịch Quốc gia đã được bãi bỏ; bên cạnh đó Lý Sơn lại có tiềm năng các điều kiện để được công nhận là khu du lịch cấp Quốc gia.

Để tạo cho Lý Sơn phát triển vượt bậc, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch đặc sắc của huyện đảo, trở thành hạt nhân thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển mạnh thời gian đến, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 banh hành kèm Quyết định số 2350/QĐ-TTg quy hoạch huyện đảo Lý Sơn từ điểm du lịch Quốc gia trở thành khu du lịch Quốc gia đến năm 2020.

Đảo Lý Sơn cách cửa biển Sa Kỳ khoảng 14 hải lý, với diện tích gần 10 km2, dân số khoảng 23.000 người. Huyện tích hợp nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử và địa chất, địa mạo độc đáo riêng có.

Theo các nhà khoa học, trải qua hàng triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa đầu tiên, thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn quần thể thắng cảnh tuyệt tác, địa hình, địa mạo độc đáo trên bờ cũng như hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú. Hiện, trên đảo còn tồn tại 10 miệng núi lửa đã tắt, trong đó độc đáo nhất là hai miệng núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới và nhiều miệng núi lửa, trầm tích núi lửa, cổng đá và cả "nghĩa địa" tàu cổ đắm dưới nước.

Lý Sơn là mảnh đất hội tụ, giao thoa tinh hoa của các nền văn hóa lớn như Chămpa, Sa Huỳnh và Đại Việt với hệ thống di tích dày đặc. Ngoài việc được biết đến với nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Lý Sơn còn là bảo tàng sống động, nơi lưu giữ những tài liệu, tư liệu, bằng chứng quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, là quê hương của hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa và bao thế hệ nối tiếp không ngừng hy sinh xương máu để bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng là đảo tiền tiêu đầu sóng ngọn gió.

Lý Sơn đã được xác định là vùng lõi của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, được chuyên gia UNESCO đánh giá cao về tiềm năng trở thành công viên địa chất toàn cầu. Hiện nay tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận là công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 11/2019.

Báo cáo của UBND huyện Lý Sơn cho thấy, năm 2018, huyện đảo đón tiếp hơn 230.000 khách (năm 2012 đón 8.700 lượt khách), ngày cao điểm đón 5.000 khách. Hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch phát triển nhanh với 124 cơ sở lưu trú (8 khách sạn từ 1 sao đến 4 sao, 53 nhà nghỉ, 63 homestay) và nhiều nhà hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí cung cấp việc làm cho khoảng 6.000 lao động; doanh thu từ du lịch đạt 240 tỷ đồng (so với năm 2012 đạt 9,1 tỷ đồng).

Sỹ Thắng (TTXVN)