06:19 21/06/2019

Đề nghị tiêu hủy thuốc lá lậu, không tái xuất

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa có văn bản đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu thuốc lá như tiêu hủy hoàn toàn thuốc lá lậu, trích Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho lực lượng chức năng chống buôn lậu...

Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cần hỗ trợ chống buôn lậu

Theo quy định tại Điều 28, 29 và 30 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá được thành lập theo Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhằm giảm thiểu tác hại đối với người sử dụng và nâng cao sức khỏe đời sống cho cộng đồng.

tieu huy
Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Nguồn thu chính của Quỹ đến từ khoản đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt tăng theo lộ trình. Sau 5 năm hoạt động, Quỹ đã thu được khoản đóng góp rất lớn.

Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, tính từ năm 2013 đến năm 2018, Quỹ này đã thu được hơn 1.324 tỷ đồng (riêng năm 2018 đã thu gần 300 tỷ đồng) và mức thu năm 2019 sẽ cao hơn do tăng tỷ lệ đóng góp từ 1,5% lên 2% áp dụng từ ngày 1/5/2019.

Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc lá nhận thấy việc sử dụng Quỹ chưa thể hiện được rõ nét theo các nguyên tắc, mục tiêu được nêu trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hiện nay, hoạt động của Quỹ chỉ phục vụ cho các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, tập trung vào các giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức người tiêu dùng, kiểm soát sử dụng thuốc lá nơi công cộng... Trong khi các báo cáo, thống kê của Hiệp hội cho thấy, tình hình buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, thuốc lá lậu đang được bán tràn lan trên thị trường và có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với thuốc lá sản xuất trong nước.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá theo hướng quy định Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá có nhiệm vụ hỗ trợ cho các lực lượng chức năng (công an, biên phòng, hải quan và quản lý thị trường) trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá.

"Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá không nên chỉ phục vụ cho các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá nói chung mà phải gắn liền với việc hỗ trợ lực lượng chức năng tham gia phòng chống thuốc lá nhập lậu", đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nêu quan điểm.

Hiệp hội kiến nghị, để việc quản lý, sử dụng Quỹ được hiệu quả, công khai và minh bạch, Hội đồng quản lý Quỹ phải có đại diện đến từ Hiệp hội Thuốc lá. Bổ sung Khoản 2 Điều 29 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: “cho phép sử dụng 50% Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá phục vụ cho các công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu”.

Ngừng tái xuất, tiêu hủy hoàn toàn thuốc lá nhập lậu

Vấn nạn buôn lậu thuốc lá thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp.

Quyết định 20/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/6/2018 cho phép "thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài thay vì tiêu hủy toàn bộ như trước đây". Mặc dù mục tiêu ban đầu của quy định này là tốt, nhằm thu được khoản tiền không nhỏ từ việc tái xuất, song thực tế đã khiến việc xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu ách tắc, ảnh hưởng đến nỗ lực đấu tranh chống thuốc lá lậu.

Lý do là bởi khó xác định thuốc lá như thế nào là đảm bảo chất lượng, tốn chi phí cao để kiểm định. Chưa kể, trên thực tế các năm vừa qua, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thường không đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện bắt buộc để đảm bảo quy chuẩn, chất lượng...

Có địa phương như Quảng Trị, lực lượng chức năng đánh dấu một lô thuốc lá lậu trước khi cho tái xuất nhưng chỉ sau một gian ngắn, chính lô thuốc lá ngoại này lại thẩm lậu vào thị trường Việt Nam.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cần tiêu hủy toàn bộ thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, vừa giúp giải tỏa ách tắc tại các địa phương hiện nay, vừa giúp ngành thuốc lá chung tay cùng các lực lượng chức năng chống thuốc lá lậu có hiệu quả hơn thông qua cơ chế của Quỹ hỗ trợ phòng chống buôn lậu thuốc lá (áp dụng đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu và tiêu hủy).

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có hơn 700 triệu bao thuốc lá lậu tiêu thụ trong nước (chiếm hơn 20% thị phần), gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, mất việc làm cho khoảng 1 triệu nông dân, công nhân ngành thuốc lá. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nếu như không có các biện pháp tích cực, hữu hiệu để chống lại thuốc lá lậu.

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức