02:07 06/02/2018

Đề nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Tư pháp khẩn trương lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến và đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau 5 năm thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã khẳng định vai trò trong đời sống kinh tế, chính trị, pháp lý của đất nước; là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn đời sống thông qua số lượng việc xử lý vi phạm hành chính rất lớn. Ngoài Luật Xử lý vi phạm hành chính, đã có cả hệ thống pháp luật đồ sộ về xử lý vi phạm hành chính được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở Luật, Nghị quyết Quốc hội ban hành, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật, rà soát, sửa đổi bổ sung các nghị định, thông tư liên quan để hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tạo nên hệ thống chế tài đủ sức răn đe, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Tính đến hết ngày 30/9/2017, Chính phủ đã ban hành tổng số 92 nghị định và 67 thông tư liên tịch nhằm triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết luật được chú trọng. Sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực, hầu hết việc kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở các bộ, cơ quan ngang bộ được tổ chức thực hiện dưới hình thức lồng ghép với các chuyên đề theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể hoặc các cuộc thanh tra hành chính. Một số bộ đã xây dựng kế hoạch kiểm tra riêng về việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thông qua hoạt động kiểm tra, các bộ đã nắm bắt, đánh giá thực trạng về tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mình quản lý, những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhằm khắc phục hạn chế của công tác xử lý vi phạm hành chính, góp phần xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận còn nhiều khó khăn, vướng mắc như việc xây dựng văn bản quy định chi tiết liên quan đến nhiều bộ, ngành đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ; cán bộ công chức thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính là kiêm nhiệm… Đặc biệt, Luật Xử lý vi phạm hành chính còn nhiều bất cập như: một số thuật ngữ quy định còn mang tính định tính, chưa rõ ràng nên việc áp dụng còn chưa thống nhất. Việc quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền làm phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cấp trên giải quyết, không bảo đảm tính kịp thời. Một số quy định về các biện pháp xử lý hành chính cũng còn nhiều bất cập…

Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý với Bộ Tư pháp về đánh giá tình hình và kết quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; về những bất cập, hạn chế, các giải pháp trước mắt nhằm khắc phục, nâng cao hiệu quả thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp khẩn trương lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến và đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Từ các kết quả tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trong 5 năm qua và các năm tiếp theo, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; phân tích, đánh giá, làm rõ những bất cập, hạn chế cơ bản, có tính hệ thống của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm đổi mới, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, thực tiễn Việt Nam, thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế, phục vụ việc sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện đạo Luật nêu trên.

TTXVN/Báo Tin tức