05:11 25/05/2017

Đề nghị sớm rót vốn cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Nhu cầu vốn ODA cho dự án đường sắt đô thị (metro) số 1 của TP Hồ Chí Minh trong năm 2017 là 5.400 tỷ đồng, trong khi hiện mới chỉ được cấp hơn 2.000 tỷ đồng. Do đó, dự án có thể bị chậm tiến độ. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị các bộ sớm bố trí vốn cho dự án quan trọng này.

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc chậm giải ngân vốn xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ gây lãng phí và dự án dễ đội vốn trong thời gian tới nếu tiếp tục chậm tiến độ.

Thưa ông, mới đây Ban quản lý dự án metro Bến Thành - Suối Tiên có tổ chức họp báo cho biết, nguồn vốn giải ngân cho công trình này bị chậm (vốn ODA của JICA Nhật Bản). Nếu công trình này bị chậm tiến độ sẽ có những ảnh hưởng ra sao?

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Vốn ODA muốn giải ngân thì phải có vốn đối ứng. Dự án này thời gian qua bị chậm do quy định các dự án trên 10.000 tỷ đồng phải được Quốc hội thông qua. Đối với khoản đối ứng dự án metro này đã được duyệt rồi. Các bộ cần dành nguồn vốn thỏa đáng để TP Hồ Chí Minh triển khai nhanh dự án này.

Nếu chậm rót vốn thì sẽ kéo dài dự án, gây lãng phí. Chất lượng cuộc sống của 13 triệu dân thành phố sẽ bị ảnh hưởng, xa hơn là ảnh hưởng đến kinh tế của thành phố và thu ngân sách của đất nước. Giải quyết vốn để đẩy nhanh dự án metro này sẽ tạo tác động phát triển lan tỏa cho cả khu vực phía Nam.

Thực tế, giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm đạt thấp đã ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của nhiều địa phương trên cả nước. Tại TP Hồ Chí Minh, việc phân bổ vốn đầu tư ngân sách, trong đó có vốn ODA chậm trong 4 tháng đầu năm đã có những ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài khoảng 19,6 km với gần 2,5 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao.

Tại TP Hồ Chí Minh, có những dự án kì vọng sẽ được Quốc hội thông qua kì này như dự án 10.000 tỷ đồng chống ngập nước. Tuy nhiên, trong chương trình làm việc không thấy có. Điều đó cho thấy, đơn vị chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trình Quốc hội đã không theo kế hoạch. Dự án này liên quan trực tiếp đến tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, cũng như chất lượng cuộc sống người dân thành phố.

Chúng tôi rất mong Quốc hội sớm có Nghị quyết cho TP Hồ Chí Minh, không chỉ là Nghị quyết về vấn đề ngân sách mà còn là Nghị quyết đảm bảo việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nó liên quan toàn diện đến các lĩnh vực tài chính - đầu tư, giao thông, tổ chức bộ máy, mô hình chính quyền địa phương...

Nếu cứ để TP Hồ Chí Minh xây dựng thủ tục như các địa phương khác, phải chờ các cơ quan thẩm định thì sẽ kéo dài thời gian thực hiện các dự án. Cần ủy quyền cho TP, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Về lâu dài, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài nên được thực hiện như thế nào?

Trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần thận trọng vì chúng ta đang phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ thì kinh tế tư nhân vẫn phải là động lực phát triển. Kinh tế tư nhân đang đóng góp hơn 42% vào GDP, riêng tại TP Hồ Chí Minh là 60%. Nếu phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài thì có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cả nước. Như việc Samsung khủng hoảng cũng đã gây ảnh hưởng đến xuất khẩu cũng như GDP của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Dương/Báo Tin Tức (ghi)