12:09 15/12/2019

Để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống

Thời gian vừa qua các tỉnh thành và bộ ngành liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để thảo luận và tổng kết các thành tựu đạt được cũng như những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết 37).

Báo cáo tại các hội nghị đều cho thấy một kết quả chung rất tích cực. Đó là qua 15 năm thực hiện, Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống và tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng. Hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã cơ bản được hoàn thành. Cụ thể, có tới 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 37 đề ra. Tốc độ tăng GDP toàn vùng bình quân đạt 10%, mức rất cao so với bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 44,86 triệu đồng/người, gấp gần 12,9 lần so với thời điểm ban hành nghị quyết. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phát huy được nội lực của vùng. Tình hình an ninh, chính trị được giữ vững …

Chú thích ảnh
Điều kiện tự nhiên và xã hội khó khăn của vùng trung du miền núi Bắc Bộ là lý do Đảng, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách đặc biệt, ưu tiên phát triển cho vùng.

Là vùng lãnh thổ có diện tích lớn nhất, chiếm hơn 30% diện tích cả nước, có vị trí địa lý vô cùng quan trọng về an ninh, quốc phòng, nhưng từ trước đến nay, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng luôn được coi là vùng "nghèo" nhất. Địa hình hiểm trở, chia cắt. Khí hậu diễn biến thất thường, mưa lũ thường xuyên. Tài nguyên khoáng sản có trữ lượng thấp và khó khai thác. Tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người biết chữ, tuổi thọ trung bình… đều thấp hơn so với cả nước.

Những ai đã một lần đặt chân tới Tây Bắc, nơi được coi là "lõi nghèo" của cả nước, thật khó có thể cầm lòng khi chứng kiến những gia đình dân tộc thiểu số còn phải chật vật lo từng bữa cơm hàng ngày, những em bé đi chân trần trong sương giá không có điều kiện đến trường, những gia đình đêm xuống vẫn sinh hoạt trong ánh đèn dầu leo lét vì chưa có điện lưới quốc gia…

Điều kiện tự nhiên và xã hội khó khăn của vùng trung du miền núi chính là lý do Đảng, Nhà nước quyết định đưa ra rất nhiều chính sách đặc biệt, ưu tiên phát triển dành cho khu vực này, mà Nghị quyết 37 chỉ là một trong số đó. Nhưng nhìn ở chiều ngược lại, những khó khăn nói trên cũng là rào cản trong quá trình đưa chính sách vào cuộc sống. Nguốn vốn vay hỗ trợ của ngân hàng khi đưa vào các vùng khó khăn chẳng khác "gió vào nhà trống". Giao thông đi lại khó khăn khiến việc triển khai chính sách khó đáp ứng yêu cầu về tính đồng bộ, tính liên kết vùng. Ngoài ra, mặt bằng giáo dục, đào tạo nghề còn thấp khiến quá trình đồng bào tiếp nhận hỗ trợ về giống cây trồng vật nuôi, khoa học công nghệ không dễ dàng chút nào.

Vì những lý do đó, qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, dù các bộ ngành trung ương cùng chính quyền các địa phương 14 tỉnh nằm trong vùng thụ hưởng đã có nhiều cố gắng, nhưng về cơ bản vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Tại một hội nghị mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37 - đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bao gồm: Quy mô kinh tế các tỉnh trong vùng còn nhỏ; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết hoặc vận hành chưa phù hợp; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm; cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng.

Nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững như Nghị quyết 37 đề ra, các bộ ngành trung ương và chính quyền địa phương cần tập trung hơn vào những khâu cốt lõi, yếu kém đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện, nhằm đưa ra những điều chỉnh cho phù hợp, cả về chính sách và khâu tổ chức thực hiện. Trong đó cần quan tâm tới các vấn đề về tái định cư, trồng cây lương thực, phát triển thủy điện; chính sách về tài chính cho đối tượng nghèo, đồng bào dân tộc; chính sách phát triển giáo dục phổ thông và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ rừng... Đặc biệt cần chỉ rõ những bất cập, điểm “nghẽn” trong thu hút nguồn lực nhằm tạo đòn bẩy khai thác tối đa tiềm năng về phát triển du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu. Có như vậy sự hỗ trợ từ Trung ương mới được khai thác hiệu quả, qua đó phát huy nội lực của từng địa phương trong việc không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh tại khu vực vốn được coi là "cái nôi của cách mạng", vùng "phên dậu" của Tổ quốc.

 

Vũ Hội