10:09 01/10/2011

Để nghệ thuật biểu diễn phát triển: Cần sự vào cuộc mạnh hơn của các đơn vị nhà nước

Cả nước hiện có 169 đơn vị nghệ thuật công lập, nhưng số đơn vị hoạt động hiệu quả thì không nhiều. Điều này đối nghịch hẳn với sự ra đời ngày càng nhiều của các đơn vị nghệ thuật tư nhân, tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường giải trí.

Cả nước hiện có 169 đơn vị nghệ thuật công lập, nhưng số đơn vị hoạt động hiệu quả thì không nhiều. Điều này đối nghịch hẳn với sự ra đời ngày càng nhiều của các đơn vị nghệ thuật tư nhân, tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường giải trí. Tuy nhiên, để có được một nền nghệ thuật biểu diễn đích thực, thì sự lớn mạnh của đơn vị tư nhân là chưa đủ…

Trên 60% hoạt động biểu diễn là của tư nhân

Đó là đánh giá của ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội. Theo ông Nhuận: “Nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam từ năm 2001 đến nay đã có những bước tiến rất dài. Điều đầu tiên phải kể đến chính là việc nhận diện được rằng, công nghiệp giải trí là một trong những yếu tố tác động rất lớn đến xã hội. Việc những công ty tổ chức sự kiện, tổ chức các chương trình nghệ thuật biểu diễn, các đoàn nghệ thuật tư nhân ra đời đã tạo nên một bộ mặt mới cho nghệ thuật biểu diễn. Có đến trên 60 -70% hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay đều do các đơn vị tư nhân đảm trách”.

Sân khấu kịch Idecaf hoạt động khá hiệu quả từ mô hình xã hội hóa.


Điều quan trọng là các đơn vị tư nhân đã biết đón đầu thị hiếu khán giả, biết quảng bá cho sản phẩm của mình, đưa những sản phẩm nghệ thuật ấy tiếp cận gần khán giả hơn. Và trong lĩnh vực này, họ luôn có sự cạnh tranh quyết liệt để dành thị phần khán giả. Lợi nhuận họ thu được không hề nhỏ. Đơn cử như Công ty Sơn Lâm, lợi nhuận thu về hàng năm khoảng trên 120 -150 tỷ đồng, Công ty Đông Đô (Hà Nội) dù chưa phải là công ty lớn nhưng cũng thu về 35 tỷ đồng mỗi năm… Hay chỉ riêng một chương trình nghệ thuật như “Cầm tay mùa hè” vừa rồi của nhạc sĩ Quốc Trung, bán vé tới 1,8 triệu đồng, tổng thu hai đêm là 1,6 tỷ đồng, tính ra lãi cũng trên 500 triệu đồng…

Trong khi đó, theo ông Nhuận, các đơn vị nhà nước vẫn rất thụ động. Họ vẫn chỉ dừng lại ở chỗ là người làm ra sản phẩm mà không có được công nghệ, kỹ năng kết nối sản phẩm của mình với thị trường, đến công chúng. Nhiều khi họ cũng chẳng có người làm, những người có năng lực thực sự. 12 nhà hát hiện nay cũng chỉ thu về mỗi năm 84 tỷ đồng, 169 đơn vị nghệ thuật công lập khác rải đều các địa phương thì doanh thu cũng rất khiêm tốn. Một trong những nguyên do của tình trạng này, theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thì chính bởi cơ chế bao cấp vẫn còn tồn tại: “Hiện vẫn còn tình trạng sản xuất mà không cần biết đến những yếu tố khác, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước, dù cũng qua một hội đồng thẩm định nhưng họ chỉ thẩm định ở các khía cạnh vĩ mô như bảo tồn, bảo vệ di sản, chứ không tính tới việc đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả”.

Cần sự thay đổi

Để tạo nên một thị trường giải trí sôi động, đưa nghệ thuật biểu diễn trở thành một ngành đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước thì sự hào hứng, mạnh dạn của riêng các đơn vị tư nhân vẫn là chưa đủ. Các đơn vị nghệ thuật cũng cần sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. Theo ông Nhuận, sự ra đời của các đơn vị tư nhân đã ít nhiều tác động đến các đơn vị nghệ thuật công lập. Từ đây họ cũng phải tính tới việc chiều lòng khán giả, phải có những thay đổi để có thể cạnh tranh được với các đơn vị tư nhân, chứ không thể mãi đứng ngoài vòng quay thị trường.

Tuy nhiên, cần thay đổi những gì và thay đổi như thế nào? Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh: “Người làm nghề trước hết cần phải thay đổi tư duy. Nghệ thuật bây giờ không chỉ đơn thuần là một di sản cha ông để lại cần phải bảo vệ mà nó cũng là một loại hình sản phẩm. Người nghệ sĩ, nếu vẫn cứ giữ mãi tác phong chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thì e rằng chưa đủ, cần phải xác định lại. Cũng không thể áp đặt người xem mãi được nữa, hiện giờ khán giả có thị hiếu của họ, thị hiếu này thay đổi theo ngày, theo giờ nên cũng cần phải tìm hiểu. Nếu cứ áp đặt họ theo thị hiếu của mình thì việc công chúng xa rời là đương nhiên”.

Một điều nữa cũng được ông Vinh đề cập đến đó là cơ chế bao cấp. Cơ chế bao cấp quá lâu chỉ làm cản trở sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn. Bởi những đơn vị nghệ thuật công lập khó mà bung ra được nếu vẫn dùng tiền nhà nước.

Thay đổi cơ chế, theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Hải, PGĐ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thì trước tiên khâu cấp phép biểu diễn cần có cải tiến, phải nhanh hơn, dễ hơn, thoải mái hơn, dễ dàng lập kế hoạch hơn. Không thể để tình trạng sắp đến ngày biểu diễn mà giấy phép vẫn chưa xin được.

Khánh Nguyên