08:15 13/08/2014

Để không còn nỗi đau Cát Tường

Hy vọng, với thông tư quy định quy tắc ứng xử của nhân viên y tế (chính thức có hiệu lực từ 1/8/2014) của Bộ Y tế, trong đó có quy định nghiêm cấm cán bộ y tế thờ ơ, gây khó khăn cho người bệnh... xã hội không phải chứng kiến những thảm họa y đức kiểu vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường.

Mấy ngày gần đây, vụ án Cát Tường lại thêm một lần làm nóng dư luận khi xác nạn nhân của vụ án này được tìm thấy. Không chỉ vụ án Cát Tường, hàng hoạt vụ việc trước đó, liên quan đến tính mạng người bệnh, như cái chết bất thường của các sản phụ ở Thanh Hóa, Bình Dương; cái chết của bệnh nhi 5 tuổi sau khi tiêm kháng sinh; sự vô trách nhiệm của hộ sinh khiến thai nhi bị chết; vụ sao chép hàng ngàn mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội)…, đã cảnh báo sự xuống cấp nghiêm trọng về vấn đề y đức hiện nay.


Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế. Yêu cầu với người thầy thuốc là không chỉ có chuyên môn giỏi, mà phải có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, hết lòng phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, cách ứng xử của nhân viên y tế trong thời gian gần đây đã để lại không ít điều tiếng, phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người thấy thuốc.


Ai đã từng đi khám bệnh hoặc đi chữa bệnh ở các cơ sở y tế mới thấy lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” có ý nghĩa như thế nào. Đặc thù của ngành y đòi hỏi người hành nghề cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên hết. Nhưng thực tế, người bệnh quá thất vọng với cách hành xử của một bộ phận nhân viên y tế. Bắt đầu từ thái độ cáu gắt vô lối; rồi thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, thiếu tính chuyên nghiệp của một số bác sĩ trong khám chữa bệnh (chỉ hỏi bệnh nhân rồi kê ngay đơn thuốc, hoặc chỉ dựa vào máy móc, xét nghiệm để đưa ra phương án điều trị), thiếu sự ân cần, tỷ mỷ trong việc khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân... Đó là chưa kể nạn phong bì “tự nguyện” phải trao để được tiêm cho đỡ đau, để được chăm sóc chu đáo.


Thực tế, ở các bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử của nhân viên y tế không còn là hạn hữu. Ở khía cạnh nào đó, xã hội chia sẻ với cái khó của những người thầy thuốc. Trong điều kiện làm việc đầy rủi ro, khó khăn, vất vả, cường độ lao động cao, trách nhiệm lớn…, khó tránh khỏi những hệ lụy ảnh hưởng tới tinh thần thái độ của người thầy thuốc. Điều này đôi khi dẫn đến thái độ phục vụ người bệnh chưa thật đúng mực của một bộ phận nhân viên y tế. Không ít thầy thuốc thiếu lương tâm, đã lợi dụng sự quá tải để gây thêm sự nhọc nhằn cho bệnh nhân, như gợi ý bệnh nhân phải đưa phong bì, giới thiệu bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế tư nhân mà các y bác sĩ này tham gia...


Có thể, người bệnh có sự cảm thông nhất định trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, người thầy thuốc cũng không thể lấy đó để bào chữa cho thái độ ứng xử không đúng mực với người bệnh dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Cũng không thể biện minh, những tác động tiêu cực của xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến người thầy thuốc. Những tác động tiêu cực dù ít, dù nhiều cũng đã làm xói mòn đạo đức, sự mất lòng tin của người bệnh đối với người thầy thuốc.


Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành y tế trong giải quyết vấn đề y đức hiện nay. Đã có không ít cán bộ y tế đã phải nhận những hình thức kỷ luật thích đáng (thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự) do vi phạm quy định nghề nghiệp. Rồi việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi với những người hành nghề... Tuy nhiên, y đức vẫn là vấn đề nan giải và chưa được giải quyết tận gốc.


Hy vọng, với thông tư quy định quy tắc ứng xử của nhân viên y tế (chính thức có hiệu lực từ 1/8/2014) của Bộ Y tế, trong đó có quy định nghiêm cấm cán bộ y tế thờ ơ, gây khó khăn cho người bệnh, đại diện của người bệnh, nghiêm cấm lợi dụng nghề nghiệp để thu lợi..., sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và xã hội không phải chứng kiến những thảm họa y đức kiểu vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường.

 

Yến Nhi