11:06 14/11/2014

Để khí nhạc Việt Nam phát triển - Bài 1

Thực tế đời sống biểu diễn âm nhạc hiện nay ở Việt Nam cho thấy, thanh nhạc đang lên ngôi, trong khi khí nhạc “lép vế”. Làm gì để khắc phục sự mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc, giữa âm nhạc giải trí với nền âm nhạc hàn lâm...

Thực tế đời sống biểu diễn âm nhạc hiện nay ở Việt Nam cho thấy, thanh nhạc đang lên ngôi, trong khi khí nhạc “lép vế”. Làm gì để khắc phục sự mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc, giữa âm nhạc giải trí với nền âm nhạc hàn lâm, nâng cao vị thế của nền âm nhạc chuyên nghiệp… là một bài toán khó, chưa có lời giải thích hợp.

Bài 1: Khí nhạc đang bị lép vế

Trong khi thanh nhạc phát triển rầm rộ, thì khí nhạc lại gặp rất nhiều khó khăn cả về sáng tác, tác phẩm và đất diễn.


Khí nhạc Việt Nam mới ở độ “tuổi” U60, còn quá trẻ so với lịch sử trên 300 năm của giao hưởng thính phòng thế giới. Thời kỳ đầu, dù trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, dù phải đương đầu với cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhưng các nhạc sỹ vẫn cho ra đời nhiều tác phẩm khí nhạc chất lượng cao như các giao hưởng thơ “Đồng Khởi” của Nguyễn Văn Thương; “Lửa Cách mạng” của Trần Ngọc Xương, giao hưởng nhiều chương “Quê hương” của Hoàng Việt; “Miền Nam tuyến đầu” của Chu Minh, “Cây đuốc sống” của Nguyễn Đình Tấn… Từ đó đến nay, các thế hệ nhạc sỹ nổi tiếng như Hoàng Vân, Ca Lê Thuần, Quang Hải, Trọng Bằng, Nguyễn Văn Nam, Hoàng Cương, Thế Bảo, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân… đã cho ra đời nhiều tác phẩm khí nhạc có chất lượng.

Một tiết mục biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.


Sự kế tục của các lớp nhạc sĩ trẻ có những tác phẩm khí nhạc chất lượng được dàn dựng như Trần Mạnh Hùng, Lê Bằng, Lê Quang Vũ, Vũ Việt Anh, Đỗ Bảo, Xuân Thủy… cũng là những minh chứng cho thấy, khí nhạc Việt Nam đã có những bước phát triển tốt đẹp. Những năm gần đây, thành tựu về biểu diễn giao hưởng của các Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội. Dàn nhạc giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh… đã có một trình độ khá cao trong bảng tổng sắp của châu Á.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhạc sỹ trong nghề, những thập niên gần đây, khí nhạc Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn và bị “lép vế” so với thanh nhạc, cả trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Theo nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, một trong số ít nhạc sỹ trẻ ở Việt Nam có những tác phẩm khí nhạc được khán giả biết đến, sáng tác khí nhạc của Việt Nam những năm gần đây vẫn “di chuyển” chậm chạp theo kiểu đi bộ, trong khi các sáng tác thanh nhạc đang tăng tốc như đua xe máy. Thêm vào đó, sáng tác khí nhạc ở Việt Nam hiện nay ngày càng trở nên khó khăn, bởi nhiều lý do, trong đó có những lý do chính như người học hạn chế về năng khiếu, người dạy hạn chế về sư phạm, hoặc bởi các nhạc sĩ chưa đủ đam mê… Sự khó khăn còn xuất phát từ lý do người Việt Nam không thích nghe nhạc không lời, Nhà nước đầu tư ít hoặc đầu tư không tới...

Sự lép vế của khí nhạc là một thực tế không thể phủ nhận. Những năm gần đây, trên các kênh sóng của nhiều các đài truyền hình liên tục có các chương trình dành cho thanh nhạc (nhạc nhẹ, nhạc đại chúng) như “Bài hát Việt”, “Sao Mai điểm hẹn”, “Con đường âm nhạc”… được phát sóng vào những khung giờ vàng, phát sóng trực tiếp…, trong khi những chương trình dành cho khí nhạc, giao hưởng thính phòng lại vô cùng hiếm hoi, cả tuần chỉ có một chương trình, nhưng lại phát sóng vào khung giờ 11-12 giờ đêm, khi mà hầu hết mọi người đã đi… ngủ, không còn xem tivi nữa.

Trên sân khấu, ca nhạc nhẹ cũng ngày càng rầm rộ, hết show diễn này đến show diễn khác, giá vé có khi lên tới vài triệu đồng, trong khi những chương trình giao hưởng vốn hiếm khi xuất hiện, cũng không mấy đông khách mua vé, khách chủ yếu là khách nước ngoài và những người trong nghề, còn những người ngoại đạo, nhất là khán giả trẻ thì vô cùng hiếm hoi.

Trên thị trường âm nhạc Việt Nam, ca khúc đại chúng gần như thống lĩnh, các nhạc sỹ sáng tác, nghệ sỹ biểu diễn nhạc trẻ dễ dàng nổi tiếng, xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, mức cát xê lên tới hàng chục triệu đồng/mỗi đêm diễn. Trong khi đó, các nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn khí nhạc ở Việt Nam dù rất có tài năng nhưng không mấy người biết đến, các phương tiện truyền thông cũng không mấy quan tâm…

Ở khía cạnh đào tạo, thanh nhạc cũng lấn át khí nhạc. Thực tế hiện nay, các trường đào tạo nghệ thuật, số lượng sinh viên thi vào ngành thanh nhạc luôn đông hơn nhiều so với sinh viên thi vào ngành khí nhạc hay sáng tác. Đơn cử, năm 2013 của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, ngành thanh nhạc có khoảng 700 hồ sơ, trong khi khí nhạc thì chưa đầy 300 hồ sơ. Trong số các hồ sơ đăng ký học khí nhạc thì đa số đăng ký vào khoa piano, còn các khoa khác như guitar, đàn dây thì rất ít, nhất là khoa kèn, có năm có 2 hồ sơ, có năm lại không có hồ sơ nào đăng ký, để có học viên, nhiều khi nhà trường phải về tận vùng núi, vùng sâu để tìm kiếm tài năng và động viên các em theo học với cam kết hỗ trợ chi phí... Trên thực tế, không chỉ ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, mà ở nhiều trường khác cũng gặp khó khăn khi trong tình trạng tương tự, đây là thực trạng đáng lo ngại, vì nếu không có sinh viên để dạy thì nền khí nhạc - vốn đã bị “lép vế” so với thanh nhạc sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Phương Hà

Bài cuối: Nâng cao vị thế của khí nhạc