05:14 11/05/2018

Để hơi thở cuộc sống hiện hữu trong những làn điệu hát Then, đàn Tính

Ra đời và phát triển lâu dài trong lòng dân tộc, Then chứa đựng trong nó những dấu ấn về lịch sử văn hóa của đồng bào người Tày ở Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng như trên cả nước.

Hát Then của người Tày ở Bình Liêu phát triển mạnh nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần tích cực động viên con em dân tộc Tày lên đường đánh giặc cứu nước.

Sau ngày giải phóng đất nước đến nay, Bình Liêu vẫn duy trì và phát huy tốt tục hát Then, đàn Tính tại địa phương ở các xã như Cốc Lồng, Bản Pạt, Cáng Bắc (xã Lục Hồn); Piêng Mùng, Nà Khau, Đồng Long, Piêng Tắm (Đồng Tâm); Khe Lánh (Vô Ngại); Chang Nà, Nà Pạt, Pắc Liềng (Tình Húc); Khu Bình Công I, Bình Công II (thị trấn Bình Liêu)... Tuổi đời còn trẻ song anh Tô Đình Hiệu (sinh năm 1983, tại thôn Nà Phạ, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu) đã nhiều lần tham gia các hội thi, liên hoan hát Then từ cấp huyện đến toàn quốc. 15 tuổi anh Hiệu đã hát được rất nhiều điệu Then do bố mẹ dạy. Chính tiếng đàn du dương, lời hát đằm thắm đã thôi thúc anh tìm hiểu Then cổ và tiếp tục học hát, chơi đàn Tính từ các nghệ nhân hát Then nổi tiếng trong huyện. Năm 18 tuổi, anh đã biết chơi đàn Tính thành thạo và nhiều lần biểu diễn trên sân khấu của huyện. Đam mê với hát Then và đàn Tính lớn đến mức anh đã bỏ công việc giảng dạy tại một trường cấp 3 về công tác tại Trung tâm văn hóa của huyện. Ngày mới tập đàn, tập đến sưng cả ngón tay nhưng hôm nào không cầm đàn du dương một, hai khúc là thấy nhớ.

Nếu như lời hát Then ở Cao Bằng dìu dặt tha thiết, Then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng, Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một thì lời hát Then ở Bình Liêu là những chắt lọc bài học quí về cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên và mọi người xung quanh. Khi thực hành các nghi lễ, người hát Then không thể thiếu được các dụng cụ như đàn Tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương (thẻn), kiếm. Anh Hiệu cho biết thêm, ở Bình Liêu, đàn Tính được gọi là Tính tẩu (cái đàn làm bằng quả bầu), cấu tạo cơ bản giống với đàn Tính của người Tày ở các vùng khác nhưng Tính tẩu ở Bình Liêu chỉ sử dụng 2 dây. Trước đây Tính tẩu chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ Then. Ngày này, nhạc cụ này được sử dụng đệm nhạc trong hát Then văn nghệ.

Chùm xóc nhạc (còn gọi là cỗ nhạc – cỗ ngựa) làm bằng đồng hoặc sắt dùng để đi đường. Trong quá trình làm Then, chùm xóc nhạc được các bà Then, ông Then sử dụng theo nhiều cách. Nghe cách xóc nhạc của Then khi hành lễ cũng có thể hiểu được sự việc đang diễn ra của hành trình Then.

Anh Hiệu cũng là một trong những học trò của Nghệ nhân Hoàng Thị Viên (sinh năm 1957, thôn Nà Làng, xã Tình Húc). Cứ 3 năm một lần, Nghệ nhân Hoàng Thị Viên lại cùng với các nghệ nhân thực hiện lễ lảu Then và truyền dạy kỹ năng làm Then nghi lễ cho nhiều người trong vùng, góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể này không bị mai một.

Nghệ nhân Hoàng Thị Viên chia sẻ, nói đến hát Then của người Tày ở Bình Liêu cần phân biệt rõ Then cổ và Then văn nghệ. Then cổ là hệ thống lời hát được sử dụng trong nghi lễ Then của người Tày. Lời trong Then cổ thể hiện những ước mong của người trần thế về một cuộc sống bình yên, đầy đủ và hạnh phúc, gửi gắm mong ước đó vào những lực lượng siêu nhiên như thần, tiên, bụt; đồng thời cũng là những lời diễn tả cuộc sống hiện thực của trần thế với những con người mang đầy đủ số phận, tính cách. Then cổ thịnh hành trong thời kì khoa học kỹ thuật và y tế chưa phát triển, đóng vai trò như một cách trị liệu về tinh thần, an ủi con người luôn không ngừng cố gắng trong cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó. Ngày nay, các nghi lễ Then (Then cổ) vẫn hiện hữu trong đời sống tinh thần, trở thành một phần tất yếu không thể thiếu của người Tày ở Bình Liêu.

Then văn nghệ vốn là hình thức ca hát được bắt nguồn từ làn điệu Then thực hiện trong các nghi lễ tôn giáo của người Tày. Then văn nghệ được nâng cao và củng cố, có giai điệu, tiết tấu, nhịp phách rõ ràng, khi hát bao giờ cũng kèm theo Tính tẩu và chùm xóc nhạc.

Lời hát Then là thể thơ thất ngôn, chữ thứ 5 của câu sau vần với chữ thứ 7 câu trước, vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Nói về ngôn ngữ trong những lời hát Then, ông Ngô Bảo Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tình Húc chia sẻ: Trong cuộc sống hiện đại, lời Then văn nghệ đã được các nghệ nhân đặt lời mới, cải tiến nhạc để dễ thực hành trong cuộc sống và biểu diễn trên sân khấu. Nội dung của những lời Then mới bây giờ chủ yếu phản ánh sinh hoạt, tình cảm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào gắn liền với thiên nhiên miền núi, phản ánh tinh thần tiến bộ, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, văn minh.

Nhằm gìn giữ và lưu truyền lại điệu hát Then truyền thống của dân tộc Tày, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa của huyện Bình Liêu đã chủ động phối hợp với một số trường học trên địa bàn cử cán bộ trung tâm trực tiếp xuống giảng dạy hát Then, cách chơi đàn Tính cho cả giáo viên và học sinh. Đồng thời, đưa vào học lồng ghép với các nội dung sinh hoạt hè cho trẻ em, phát huy không gian nhà văn hóa cộng đồng tại khu dân cư. Cùng với đó, huyện cũng định kỳ tổ chức các chương trình liên hoan hát Then - đàn Tính, cử đoàn đi tham gia giao lưu hát Then - đàn Tính với các tỉnh phía Bắc và liên hoan hát Then toàn quốc.

Hiện nay, toàn huyện Bình Liêu có 32 nghệ nhân hát Then, 11 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính tại các xã, thị trấn. Để phát huy tiềm năng của địa phương, góp phần tạo ra bước đột phá mới trong phát triển du lịch, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Bình Liêu vừa được huyện giao xây dựng Đề án “Tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Không gian hát Then - đàn Tính Bình Liêu”. Đây là đề án cần thiết và có giá trị đặc biệt, góp phần đưa nét sinh hoạt văn hóa này hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc.

Trung Nguyên (TTXVN)