05:21 30/05/2012

Để hoạt động chuyển giá không còn “đất diễn”

Việc xây dựng hệ thống chuyên nghiệp chống chuyển giá đang được ngành thuế xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm mạnh tay xử lý vấn đề này trong thời gian tới.

Hiện tượng chuyển giá của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, được các nhà quản lý, giới kinh tế rất quan tâm. Việc xây dựng hệ thống chuyên nghiệp chống chuyển giá đang được ngành thuế xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm mạnh tay xử lý vấn đề này trong thời gian tới.


Điểm danh những "mánh" chuyển giá

Có thể thấy số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng bỏ nhiều vốn vào Việt Nam, tuy nhiên số thuế mà họ nộp lại không tỷ lệ thuận với sự gia tăng này. Không ít DN kê khai lỗ nhiều năm liên tiếp, song trên thực tế họ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Vận hành thiết bị sản xuất tại tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản (Bắc Ninh).
Ảnh : Danh Lam - TTXVN.


Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong vòng 2 năm (2010-2011), cơ quan này đã thanh tra hơn 1.400 DN FDI khai báo lỗ có dấu hiện chuyển giá, xử lý giảm lỗ hơn 5.827 tỷ đồng. Năm 2011, số vụ phát hiện tăng 2,5 lần so với năm 2010 và cơ quan thuế đã truy thu, xử phạt 1.861 tỷ đồng, tăng 4 lần, giảm khấu trừ thuế 102 tỷ đồng.


Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ có nhiều DN FDI hết thời hạn được hưởng ưu đãi thuế quan nên rất có thể các hiện tượng chuyển giá, giả lỗ, lách thuế sẽ gia tăng nhiều hơn.


Qua khảo sát các DN FDI trên địa bàn TP Hồ Chí Minh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các DN FDI nói là kinh doanh thua lỗ thường tập trung vào các ngành nghề gia công may mặc, da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến... Đặc biệt, có đến 90% DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc trên địa bàn có kết quả kinh doanh thua lỗ, trong khi hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi cao. Điều này cho thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng, thua lỗ cao tại các DN FDI trong thời gian qua chính là biểu hiện của hoạt động chuyển giá đang diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi và đa dạng, trở thành thách thức đối với cơ quan thuế.


Theo các chuyên gia, hiện có hai luồng chuyển giá, dàn xếp giá chủ yếu. Thứ nhất la, DN FDI đầu tư vào Việt Nam, sản xuất ra hàng hóa dịch vụ để tiêu thụ tại Việt Nam. Đối với luồng chuyển giá này, DN làm mọi thủ thuật để tăng chi phí đầu vào (thiết bị, nguyên liệu, bản quyền, định mức tiêu hao...). Luồng chuyển giá thứ hai là DN FDI đầu tư vào Việt Nam, sản xuất hàng hóa dịch vụ để xuất khẩu ra nước ngoài. Đối với loại này, DN sử dụng thủ đoạn ở cả đầu vào như tăng chi phí và đầu ra như hạ giá bán hoặc ký hợp đồng gia công thấp.


Đối với các DN trong nước, vấn đề chuyển giá đã xuất hiện thông qua hình thức DN lạm dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN để chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế. Các DN cũng có thể sử dụng chiêu thức điều hòa lỗ lãi giữa DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua chuyển giao sản phẩm giữa các bên, nhằm giảm thiểu nghĩa vụ thuế tổng hợp của các bên liên kết trong năm tính thuế.


Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cho biết: Qua hoạt động thanh tra 11 tháng đầu năm 2011, Cục Thuế đã thực hiện thanh tra 203 trong số 235 DN có dấu hiệu chuyển giá, kê khai lỗ liên tục, kết quả điều chỉnh giảm lỗ là 1.784 tỷ đồng, giảm khấu trừ 72 tỷ đồng, truy thu và phạt 1.099 tỷ đồng. Các “mánh” vi phạm phổ biến nhất của DN FDI đã bị phát hiện là sai phạm trong việc hạch toán chi phí trước nhưng chưa chi; trích lập dự phòng chưa đúng quy định; chi phí không có hóa đơn, chứng từ, vượt định mức; hạch toán chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh; chi phí tiền lương, khấu hao không đúng quy định của Bộ Tài chính; hạch toán chi phí lãi vay không đúng quy định. Ví dụ, công ty mẹ phân bổ chi phí cho công ty con tại Việt Nam mà thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài trang trải.


Bên cạnh đó, một số DN FDI thường lợi dụng việc khác biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giữa các nước, đề xuất chuyển hàng hóa đến quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế suất thuế TNDN thấp hơn ở Việt Nam. Ngoài ra, các công ty mẹ thường dựa vào chính sách ưu đãi giữa các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam để tiến hành các hoạt động sáp nhập, giải thể, điều chuyển các điểm sản xuất từ vùng này sang vùng khác, “tận dụng” ưu đãi miễn giảm thuế TNDN.


Xây dựng hệ thống chuyên nghiệp chống chuyển giá


Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác thanh tra chống chuyển giá trên cơ sở phân tích rủi ro, xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN có dấu hiệu khai lỗ “giả”.


Theo bà Nguyễn Vân Chi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Tổng Cục Thuế), thanh tra chống chuyển giá vô cùng phức tạp, đặc biệt là đối với các DN FDI vốn đã có không ít kinh nghiệm đối phó với cơ quan thuế. Trong khi ngành thuế còn đang rất thiếu kinh nghiệm xử lý vấn đề này.


Một hạn chế khác được ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, chỉ ra là các định chế pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, những khó khăn của cơ quan thuế trong việc xác lập căn cứ xử lý về ấn định giá bởi cơ quan thuế rất khó xác định giá giao dịch thông thường trên thị trường. Hàng hóa thì đa dạng, trong khi giá cả còn tùy vào uy tín nhãn hiệu, thị hiếu người tiêu dùng. Do đó, việc quy định cùng mặt hàng trong việc xác định giá cả là chưa phù hợp, cần phải có tiêu chí xác định cho từng ngành nghề cụ thể.


Thanh tra thuế đối với hoạt động chuyển giá là lĩnh vực quản lý khó, phức tạp, tốn nhiều thời gian và nguồn lực để thu thập thông tin, phân tích, so sánh, loại trừ khác biệt ảnh hưởng đến đơn giá sản phẩm được chuyển giao, lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá thị trường... Tuy nhiên, Luật Thanh tra hiện hành không quy định riêng thời gian thanh tra thuế đối với hoạt động chuyển giá mà quy định chung như thời gian thanh tra thuế đối với các trường hợp thông thường khác. Hạn chế này đã dẫn tới hiệu quả thanh tra về giá chuyển nhượng trong giai đoạn vừa qua chưa cao.


Chuyên gia Kinh tế Cao Sỹ Kiêm phân tích, sở dĩ hành vi chuyển giá gia tăng trong thời gian qua có nguyên nhân chính là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến chuyển giá chưa hoàn chỉnh và còn nhiều kẽ hở. Vì thế, thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế chính sách về vấn đề chuyển giá; hoàn thiện cơ chế đảm bảo thực thi pháp luật về kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam, từ đó đưa ra ánh sáng và xử lý kịp thời đối với những DN có hành vi chuyển giá dưới mọi hình thức nhằm trốn tránh nghĩa vụ của mình.


Theo bà Nguyễn Vân Chi, để ngăn ngừa triệt để tình trạng trốn thuế qua chuyển giá, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó cho phép thực hiện APA (Advance Pricing Arrangement - Cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá). Đồng thời, sẽ tiếp tục có chính sách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thanh tra thuế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm xử lý vấn đề này.


Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu muốn APA được áp dụng khả thi trong thực tế thì ngành thuế và Bộ Tài chính cần phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu thông tin, cơ sở pháp lý liên quan, nếu không chúng ta sẽ lại trở về hiện tượng của thanh tra giá chuyển nhượng hiện nay.


Cũng theo bà Nguyễn Vân Chi, trong Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung, Bộ Tài chính kiến nghị nâng thời hạn xử lý vi phạm về thuế từ 5 lên 10 năm. Tức là sau khi thanh tra, cơ quan thuế phát hiện ra giá thỏa thuận không theo giá thị trường thì tiến hành truy thu thuế 10 năm trở về trước. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cho phép cơ quan quản lý thuế thu thập, xử lý thông tin bao gồm cả việc thu thập và sử dụng các thông tin do cơ quan thuế của những nước đã ký kết hiệp định, tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế thu nhập nhằm phục vụ công tác quản lý thuế, trong đó có quản lý vấn đề chuyển giá.


Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản chương trình chống chuyển giá, sẽ xây dựng kế hoạch hành động tổng thể và hàng năm để kiểm soát vấn đề này một cách chặt chẽ trong thời gian tới.


Quang Toàn