06:08 30/06/2012

Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa

Theo nhận định của các chuyên gia Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giá bán phù hợp nhưng thực tế, hàng Việt vẫn "lép vế" trên sân nhà.

Theo nhận định của các chuyên gia Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giá bán phù hợp nhưng thực tế, hàng Việt vẫn "lép vế" trên sân nhà. Hàng lậu, hàng nhái, hàng giả cũng như những hạn chế trong phát triển thương hiệu, marketting, quảng cáo… đang là những rào cản lớn khiến hàng Việt chưa thực sự có sức hút với người Việt.


Đánh giá của Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cho thấy, sau hơn 3 năm triển khai, cuộc vận động đã góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người Việt. Hàng trăm phiên chợ hàng Việt bình ổn giá, rất nhiều chuyến xe đưa hàng về nông thôn… đã được các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp tổ chức. Người tiêu dùng cũng bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt trong việc mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho đất nước, cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và chiếm giữ thị trường nội địa.

 

Hàng Việt vẫn "lép vế" trên sân nhà. Ảnh: Thanh Vũ


Tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp Việt đang nỗ lực tìm chỗ đứng ngay chính trên sân nhà. Chẳng hạn như ngay sau khi có chủ trương vận động, lãnh đạo Công ty Pin Hà Nội (Habaco) đã nhanh chóng triển khai phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong toàn công ty. Việc sử dụng các nguyên liệu trong nước, cải tiến mẫu mã, chất lượng nhằm tăng sức cạnh tranh được công ty đặc biệt quan tâm.


Cũng theo Ban Chỉ đạo của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhìn chung cuộc vận động được đánh giá là có chuyển biến nhưng sức lan tỏa vẫn chưa lớn và hiệu quả còn khiêm tốn. Còn về phía doanh nghiệp dù đã nỗ lực, nhưng sức cạnh tranh của hàng Việt vẫn chưa cao do hàng lậu, hàng giả, hàng nhái cũng như việc quảng bá, marketting sản phẩm của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Do vậy, để cuộc vận động có chiều sâu và hiệu quả hơn, không chỉ dừng ở vận động, mà cần có kế hoạch và chính sách cụ thể.


Vụ Thị trường trong nước cũng thừa nhận, hàng lậu, hàng nhái đang là những rào cản lớn khiến hàng Việt khó đến gần với người dân. Bởi vậy, công tác quản lý thị trường cần phải được thực hiện nghiêm túc và sâu rộng hơn nữa. Bên cạnh đó, kinh phí hạn hẹp, chiến dịch marketting, quảng cáo sản phẩm chưa chuyên nghiệp đang là những hạn chế của doanh nghiệp trong nước trong việc phát triển thị trường, khiến hàng Việt chưa thực sự có sức lan tỏa trên chính "sân nhà".

Uyên Hương