11:15 12/11/2010

Để hàng cứu trợ có ý nghĩa hơn

Trong hai đợt mưa lũ vừa qua, Quảng Bình đã nhận được hàng nghìn tấn hàng và hàng trăm tỷ đồng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái. Số hàng, tiền này đã kịp thời về với đồng bào vùng lũ, góp phần làm vơi đi những đau thương, mất mát của người dân.

Trong hai đợt mưa lũ vừa qua, Quảng Bình đã nhận được hàng nghìn tấn hàng và hàng trăm tỷ đồng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái. Số hàng, tiền này đã kịp thời về với đồng bào vùng lũ, góp phần làm vơi đi những đau thương, mất mát của người dân. Tuy vậy, các đoàn cứu trợ cũng có những điều cần rút kinh nghiệm.

Trong hơn một tháng qua, đã có hàng nghìn đoàn xe từ các tỉnh phía Bắc, phía Nam đến Quảng Bình trực tiếp phân phát hàng cứu trợ. Trên các đoàn xe đều có băng rôn ghi dòng chữ khá lớn ghi dòng chữ “Hàng cứu trợ lũ lụt miền Trung”; trong đó, có những đoàn đến từ nơi cách xa Quảng Bình hàng nghìn km. Họ phải thuê nhiều xe tải để chở hàng cứu trợ. Đây cũng là một hình thức quảng bá thương hiệu cho các đơn vị, nhưng cách làm này rất tốn kém bởi chi phí cho mỗi chiếc xe cũng đến cả hàng chục triệu đồng. Nên chăng, để tiết kiệm hơn, các đoàn có thể đặt hàng ngay tại miền Trung.

Cũng có những đoàn chỉ giao hàng cứu trợ đến cơ quan chức năng như: Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận tổ quốc, Tỉnh Đoàn Thanh niên... Cách làm này gây nhiều khó khăn cho các đơn vị tiếp nhận của địa phương bởi họ lại phải mất công bốc hàng từ xe vào kho. Có những thời điểm hàng cứu trợ xếp đầy cả ra hành lang bởi kho không còn chỗ để hàng. Sau đó, các cơ quan này lại phải tự thuê xe khác và lại bốc hàng lên rồi chở về vùng cần cứu trợ, làm mất nhiều công sức; hàng hóa cũng dễ bị hư hỏng. Nên chăng, các đoàn cứu trợ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh chuyển thẳng số hàng này đến với bà con vùng lũ để công tác cứu trợ được nhanh chóng, đúng địa chỉ, hàng hóa lại ít bị hư hỏng, mất mát.

Có nhiều đoàn đã về tận cơ sở trao quà cho người dân vùng lũ với tinh thần chia sẻ cảm thông "lá lành đùm lá rách". Nhưng cũng có đoàn cứu trợ làm kiểu cho xong việc. Điều này, các đoàn cứu trợ cần tránh bởi cách cho quà còn quý hơn giá trị món quà. Khi tham gia cứu trợ, nhiều đoàn mang nặng tính hình thức, có trường hợp cán bộ thôn, xã phải “đóng thế” để ghi hình, chụp ảnh đoàn đang cứu trợ. Họ không nghĩ rằng, cứu trợ là việc làm rất thiêng liêng cao quý và việc cứu trợ cũng không hề dễ dàng khi những phần quà của họ đến được trực tiếp với người dân vùng lũ thực sự khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều đoàn cứu trợ về cơ sở phân phát quà cho dân, nhưng không thông qua chính quyền xã, để xảy ra tình trạng lộn xộn, thậm chí xảy ra phản ứng gay gắt giữa cán bộ địa phương với đoàn cứu trợ. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự tin tưởng lẫn nhau giữa đoàn cứu trợ và chính quyền địa phương.

Trong thời điểm khó khăn, những món quà đến với người dân vùng lũ lụt rất đáng quý, nhưng những món quà đó sẽ có ý nghĩa hơn, tình cảm hơn nếu cách cho và cách tiếp nhận đúng mực.

Trịnh Duy Hưng